Nhằm tiếp tục tham vấn, đóng góp ý kiến cho dự thảo lần thứ 5 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp đều nhất trí cao rằng, cần tôn trọng luật tục truyền thống phù hợp với hiện tại và không trái quy định của pháp luật hiện hành trong bảo vệ và phát triển rừng.
Hội thảo nhằm lấy thêm ý kiến tham vấn, đóng góp cho dự thảo lần 5 của Luật. (Ảnh: HNV)
Hội thảo “Tham vấn ý kiến đóng góp cho dự thảo lần 5 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi” diễn ra ngày 13/3 tại Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) và Liên minh đất rừng (FORLAND) tổ chức.
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng lần thứ 5 đã được hoàn thành, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thẩm tra trước khi thông qua kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV dự kiến vào tháng 10/2017. Lần này, mặc dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều điểm chưa thực hiện rõ và hạn chế về quyền của chủ rừng, một số nội dung về sở hữu rừng, về hệ thống quản lý, về quy hoạch lâm nghiệp, tài chính xanh gắn với tăng trường xanh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong phát triển của lâm nghiệp.
Tại Hội thảo, ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc CIRD, thành viên FORLAND cho biết, ở lần sửa đổi này, Luật đã có các quy định chi tiết, cụ thể về quyền hưởng lợi đối với nhiều loại rừng khác nhau, loại chủ rừng khác nhau cũng như quy định cụ thể về quản lý, khai thác rừng bền vững đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trong đó có quyền hưởng lợi từ khai thác rừng. Hơn nữa, khái niệm cộng đồng dân cư là chủ rừng đã được điều chỉnh mở rộng cho phù hợp, không đồng nhất với khái niệm thôn, bản trong quản lý hành chính khu vực nông thôn, mà gắn với luật tục, hương ước, quy tắc của cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, Dự thảo Luật đã mở rộng khái niệm cộng đồng dân cư là chủ rừng dựa trên hương ước, luật tục chứ không dựa trên điểm dân cư nông thôn. Theo ông Võ, Dự thảo Luật đã có quy định cụ thể về quyền hưởng lợi của cộng đồng dân cư gắn với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bảo đảm quyền tiếp cận truyền thống đối với rừng của cộng đồng dân cư địa phương. Nhưng vẫn cần điều chỉnh lại khái niệm cộng đồng dân cư, thay thế cụm từ “trên cùng địa bàn thôn, bản” bằng “trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn” và thay thế yêu cầu “hương ước, luật tục phải phù hợp pháp luật” bằng yêu cầu “hương ước, luật tục không trái pháp luật”.
Đồng tình với phân tích trên, theo ông Ngô Văn Hồng, vẫn cần mở rộng khái niệm về cộng đồng dân cư theo hướng “Cộng đồng dân cư là cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn có cùng tập quán, có chung hương ước hoặc luật tục hoặc quy định riêng liên quan tới quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng mà không trái với quy định của pháp luật”. Từ đó, xem xét quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là cộng đồng dân cư một cách bình đẳng với các chủ rừng là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân.
Ông Ngô Văn Hồng khẳng định, không thể phủ nhận được vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ đã tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả từ trước đến nay. Cuộc sống của đa phần họ không chỉ có sinh kế mà còn có văn hóa gắn chặt với rừng dẫn tới họ bảo vệ rừng không chỉ giai đoạn trước mắt mà cho con cháu của họ lâu dài. Trong khi đó, mỗi dân tộc, mỗi vùng có những nét văn hoá riêng, có cách tổ chức, quản lý và bảo vệ rừng riêng, và thường khác so với cách nghĩ, cách làm của người Kinh ở đồng bằng và tư duy của nhà lập định chính sách. Vì thế, những khu rừng được bảo vệ bằng ý thức, niềm tin, luật tục của người dân và mức độ nghiêm ngặt không thua kém bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Nhưng, để phù hợp với thực tế hiện nay cần bổ sung một số điều khoản hoặc bổ sung vào các điều 19, 20 về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào DTTS sinh sống tại chỗ hoặc các điều về quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng cũng như cần bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng. Đặc biệt, có quy định chi tiết về quyền của người dân sống ở vùng lõi các rừng đặc dụng, rừng bảo tồn với các Ban quản lý rừng, các vườn quốc gia. Người dân địa phương cần có quyền tiếp cận rừng, được lấy các lâm sản phụ như mây, tre, nứa, cây dược liệu, được xen các cây hoa màu, cây dược liệu dưới tán rừng để bảo đảm cuộc sống.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia lâm nghiệp. (Ảnh: HNV)
Đồng quan điểm này, ông Đoàn Diễm, Chuyên gia Lâm nghiệp cho hay, quyền hưởng dụng rừng tự nhiên nên trao cho tập thể thay vì cho cá nhân và quyền được trao ở mức độ khác nhau tùy theo năng lực. Giao cho cộng đồng rừng có chất lượng cùng với các hỗ trợ, chứ không phải là giao cho họ rừng nghèo và kèm theo là trách nhiệm. Nhà nước cần hỗ trợ để bảo vệ quyền ngăn chặn của cộng đồng. Tiếp tục thử nghiệm cơ chế đồng quản lý rừng và hoàn thiện cơ chế quản lý rừng cộng đồng. Hổ trợ xây dựng năng lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường để tạo điều kiện cho họ thu được nhiều lợi ích hơn việc chỉ cấp quyền đơn thuần. Bảo đảm tính đại diện và trách nhiệm giải trình của những người đại diện cho cộng đồng. Hỗ trợ xây dựng và duy trì những quyền truyền thống và luật tục tiến bộ để cộng đồng tự quản lý và sử dụng rừng một bền vững thay vì áp đặt cho việc cải thiện sinh kế và bảo vệ rừng.
Trong khi đó, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, dự thảo Luật BV&PTR còn thiếu toàn bộ một chương về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong quản lý rừng, trong đó có quy định về sự tham gia giám sát của người dân (trực tiếp và gián tiếp). Vì thế, nội dung này cần được quy định cụ thể trong chương Quản lý Nhà nước (Chương 11) hoặc bổ sung thêm 1 chương mới nếu không sẽ không đảm bảo điều kiện thực thi pháp luật. Song song với đó, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét kỹ việc tiếp thu, hướng tới một luật về tài nguyên rừng phù hợp cho giai đoạn hiện nay tạo hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên rừng cao nhất.
Ngoài ra, theo ông Đoàn Diễm, cần cân nhắc thêm cơ chế đồng quản lý rừng giữa các ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương, từng bước thay thế cơ chế khoán bảo vệ rừng hiện tại chưa phát huy được vai trò làm chủ của người dân, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương và vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát của các ban quản lý rừng. GS.TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị, cần loại bỏ cơ chế giao khoán rừng đối với rừng sản xuất mà các lâm trường đã sử dụng trước đây; Bảo đảm tính đồng bộ giữa giao, cho thuê đất rừng với giao, cho thuê rừng…
Theo thống kê của CIRD, tính đến thời điểm này, mới có 15 bộ, ngành; 26 tỉnh, thành phố cùng 6 tổ chức và 2 cá nhân gửi kiến nghị góp ý với dự thảo Luật. Con số này cho thấy, vẫn chưa thực sự có nhiều ý kiến quan tâm đóng góp, bổ sung cho một trong nội dung có ảnh hưởng quan trọng tới kinh tế – xã hội của đất nước. |
Theo báo Đảng Cộng Sản