Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi sạch: Thời cơ và thách thức

Trong khi các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực trên hành trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường thì lộ trình định danh của các sản phẩm chăn nuôi lại không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, ngoại trừ các sản phẩm mật ong Tuyên Hóa, Minh Hóa đã có nhãn hiệu, thì trong hơn 700 trang trại chăn nuôi của tỉnh, vẫn chưa xuất hiện một sản phẩm có nhãn hiệu nào.

 

Thực trạng trên đồng nghĩa với việc, trong bối cảnh thực phẩm bẩn lan tràn, khó kiểm soát, sản phẩm chăn nuôi địa phương sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi lo trong tiêu thụ, phân phối, phát triển mở rộng quy mô và nhất là phải chống chọi với sự cạnh tranh gắt gao của các sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu cùng loại.

HTX Chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng (Quảng Thạch, Quảng Trạch) được thành lập từ tháng 4 năm 2016 với quy mô trên dưới 7.000 con gà.

Qua hơn một năm phát triển, HTX đã có nhiều nỗ lực tăng tổng đàn lên hơn 15.000 con, tập trung không chỉ ở Quảng Thạch mà còn Lý Trạch (Bố Trạch), Quảng Hợp (Quảng Trạch)…

Với phương châm “chất lượng là trên hết”, HTX trực tiếp thu mua, tuyển chọn những loại gà tốt bằng cách ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với nông dân, đưa ra giá cao hơn so với thị trường. Nhờ đó, con giống của HTX luôn bảo đảm về cả uy tín và chất lượng. Trang trại được xây dựng theo mô hình gà thả đồi nên đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học trong chăn nuôi, thân thiện với môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của HTX là ở khâu đầu ra của sản phẩm. Và thách thức này cũng chính bắt nguồn từ việc sản phẩm chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, chưa có sức lan tỏa rộng rãi, chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều. Kênh phân phối chủ yếu của HTX là qua thương lái và một vài mối đặt hàng quen.

Thời gian qua, chị Hồng và các anh chị em trong HTX cũng tích cực chủ động tự liên hệ và trực tiếp đến nhiều nhà hàng, khách sạn để giới thiệu sản phẩm, nhưng hiệu quả chưa đáng là bao. Sức ép đầu ra đã khiến không ít thành viên rời bỏ HTX tìm lối đi mới.

Bản thân chị Hồng tuy ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm gà sạch của HTX nhưng vẫn không biết nên bắt đầu từ đâu. Chị cho biết thêm, sắp tới, HTX sẽ cần thêm vốn và diện tích để triển khai hai khu chăn thả gà tập trung trước khi giết mổ và lò mổ để có sản phẩm tươi sống phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch.

Trong một tháng trở lại đây, HTX đã thử nghiệm bán sản phẩm gà đã qua khâu giết thịt, sơ chế và đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, giờ đây, HTX lại càng nhận thức rõ ràng hơn việc cần thiết phải có nhãn hiệu cho sản phẩm gà sạch để có chỗ đứng trên thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Một khi có nhãn hiệu được bảo hộ, thương hiệu sản phẩm gà sạch Nam Hồng Quảng sẽ càng có cơ hội để phát triển và vươn xa.

Sản phẩm mật ong sau khi có thương hiệu, nhãn hiệu tạo thêm cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng.
Sản phẩm mật ong sau khi có thương hiệu, nhãn hiệu tạo thêm cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng.

Anh Lê Xuân Ngọc (Tân Thủy, Lệ Thủy) cũng cùng chung nỗi lo về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm ếch giống của trang trại mình trong bối cảnh nhiều giống ếch kém chất lượng, giá thấp đang trôi nổi trên thị trường. Mỗi năm bán từ 40.000-50.000 con ếch giống cho thị trường trong tỉnh và nhiều địa phương lân cận, tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng, lãi ròng hơn 500 triệu đồng, người nông dân biết nhìn xa trông rộng này vẫn vô cùng lo lắng trong việc tìm những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ uy tín, chất lượng cho ếch giống.

Anh Ngọc cho biết, chỉ khi nào có được nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm của mình, trang trại mới có thể xây dựng đầu ra trực tiếp và không phải qua khâu trung gian thương lái mất nhiều công sức, chi phí. Không chỉ với các trang trại gia đình quy mô nhỏ trăn trở với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm chăn nuôi mà ngay cả với nhiều doanh nghiệp, lộ trình này cũng gặp không ít rào cản.

Công ty Cổ phần Thanh Hương đang tập trung chăn nuôi lợn và tôm, đồng thời có dự định xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm từ hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất chính là đầu ra bền vững cho sản phẩm để đủ cơ sở hình thành nhãn hiệu, vun đắp thương hiệu.

Và trên thực tế, thị trường tiêu thụ trong tỉnh ít ỏi khiến công ty phải mở rộng ra khu vực các tỉnh phía Bắc, không có nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm chăn nuôi dù đạt chất lượng tốt cũng vẫn bị lẫn lộn trong nhiều sản phẩm khác của thương lái thu mua. Lộ trình định danh cho con lợn, con tôm lại càng xa vời hơn.

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi sạch đang là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đây là giải pháp hiệu quả để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng, vừa tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường và nhất là thêm cơ hội hướng đến các thị trường tiềm năng trong, ngoài nước.

Đáng chú ý, nếu định hình được một thương hiệu sản phẩm chăn nuôi sạch, mang đặc thù địa phương, sẽ góp phần xây dựng được chuỗi chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch.

Sản phẩm gà sạch sẽ được tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng nếu có nhãn hiệu, thương hiệu.
Sản phẩm gà sạch sẽ được tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng nếu có nhãn hiệu, thương hiệu.

Đồng thời, một khi đã có nhãn hiệu, thương hiệu, các cơ sở chăn nuôi sẽ càng nỗ lực đầu tư, giữ vững uy tín và chất lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), sắp tới, Sở đang xây dựng đề án “Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”.

Trong đó, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi sạch sẽ là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu với những giải pháp cụ thể, sát thực sẽ được đưa vào thực tiễn. Trước mắt, các doanh nghiệp, trang trại hộ gia đình rất cần những hướng dẫn, tư vấn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng trong bước đầu của lộ trình định danh cho sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Hữu Đồng, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện tại sản phẩm “Gà đồi Tuyên Hóa” đang trong quá trình triển khai để được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Đây là tín hiệu vui cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh ta, mở ra cơ hội lớn để nhiều sản phẩm khác tiếp tục con đường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi sạch đang là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đây là giải pháp hiệu quả để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng, vừa tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường và nhất là thêm cơ hội hướng đến các thị trường tiềm năng trong, ngoài nước.

Đáng chú ý, nếu định hình được một thương hiệu sản phẩm chăn nuôi sạch, mang đặc thù địa phương, sẽ góp phần xây dựng được chuỗi chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch.

http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/201704/xay-dung-nhan-hieu-thuong-hieu-cho-san-pham-chan-nuoi-sach-thoi-co-va-thach-thuc-2144537/

Mai Nhân – Báo  Quảng Bình