Sau hội thảo góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017 diễn ra tại Hà Nội vừa qua với sự hợp tác tổ chức từ các thành viên trong Forland như CIRD, Panature, TROPENBOS. Nhận được sự đóng góp nhiệt tình chia sẽ các ý kiến từ chuyên gia cùng các đại biểu như chuyên gia GS.Đặng Hùng Võ, TS. Đoàn Diễm, TS. Trần Ngọc Bình…. Ban thư ký đã hoàn thiện bản khuyến nghị và đã gửi cho ban soạn thảo Tổng cục Lâm nghiệp.
Nội dung bản khuyến nghị tập trung vào đưa vào một số quan điểm, nội dung mới như chủ rừng là cộng đồng, ưu tiên cho đồng bào dân tộc, thương mại và chế biến lâm sản…Mặc dù những vấn đề này đã có chính sách nhưng tản mạn ở nhiều quy định trong và ngoài lĩnh vực lâm nghiệp. Chính vì vậy việc xây dựng chính sách nhất quán và riêng biệt trong lĩnh vực Lâm nghiệp về những nội dung mới này cực kỳ quan trọng cho việc thực thi Luật và nhất thể hóa hệ thống chính sách lâm nghiệp, đồng thời là cơ sở quan trọng cho thực thi Luật lâm nghiệp.
Một số chính sách kiến nghị cần quy định cụ thể gồm:
2.1. Tại khoản 6, điều 4 của Luật Lâm nghiệp quy định về “Nhà nước đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư….” theo quy định của Chính phủ. Trong đó có một số nội dung chưa rõ theo quy định nào ví dụ “hợp tác, liên kết bảo vệ rừng với chủ rừng, chia sẽ lợi ích từ rừng, thực hành văn hoá tín ngưỡng…”. Đây là điểm được các đối tác quốc tế đánh giá rất cao, tiến bộ của Luật lâm nghiệp 2017 so với Luật trước đây. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định chưa quy định chi tiết để có căn cứ thực hiện. Ngay tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo Nghị định cũng đề cập đây là đối tượng, phạm vi nhưng nội dung Nghị định chưa có hướng dẫn chi tiết
2.2. Nội dung liên quan đến giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng:
a, Tại điều 14 của Luật Lâm nghiệp quy định các nội dung rất quan trọng về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng. Tuy nhiên trong dự thảo Nghị định mới chỉ hướng dẫn nguyên tắc thứ 5 “Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất” Một số nguyên tắc quan trọng khác chưa được hướng dẫn cụ thể trong dự thảo Nghị định này, ví dụ Nguyên tắc công khai minh bạch, có sự tham gia và trách nhiệm giải trình chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn sơ sài: chỉ có sự tham gia của chủ rừng ở giai đoạn kiểm tra thực địa và bàn giao rừng; không có sự tham gia của người đại diện của họ trong giai đoạn thẩm định, xét duyệt…Nguyên tắc ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giao rừng, tôn trọng phong tục, tập quán,văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng của cộng đồng dân cư DTTS chưa được đề cập trong Dự thảo.
b, Việc hướng dẫn trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư quy định khá rõ ràng nhưng rất khó thực hiện. Thực tiễn cho thấy hình thức quản lý rừng cộng đồng là quản lý bởi một nhóm người do vậy cần phải xác định ai là người chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất hoặc trách nhiệm pháp lý của từng thành viên khi tham gia bảo vệ rừng, trường hợp xảy ra vi phạm thì xử lý thế nào…. Do vậy dự thảo Nghị định cần hướng dẫn thêm cách thức xây dựng quy chế quản lý rừng cộng đồng, phương án quản lý rừng cộng đồng, cách thức xác định người đứng đơn xin giao đất trong cộng đồng… Nghị định cần hướng dẫn tách biệt nội dung giao rừng, cho thuê rừng gắn liền giao đất, cho thuê đất tách biệt giữa cộng đồng và hộ gia đình.
c, Chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Đối với phương án chuyển loại rừng:
+Bổ xung quy định cần lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan và có biên bản họp dân để bảo đảm có sự đồng thuận của đa số người dân sống trong địa bàn;
+ và công khai phương án chuyển loại rừng được phê duyệt;
Trình tự, thủ tục cho phép chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng:
+ bổ xung biên bản họp dân và ý kiến của các chủ rừng nhà nước và tư nhân;
+ trách nhiệm giải trình cuả UBND các cấp đối với các ý kiến của người dân;
+ dự án đầu tư phải bao gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội
2.3. Đối với nội dung hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý thương mại lâm sản.
- Tại điều 66 của Luật về Chính sách phát triển chế biến lâm sản được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa quy định nội dung này. Ngành chế biến lâm sản là một ngành rất rộng, có thể chia ra (1) Chế biến gỗ: Trong đó, lĩnh vực sản xuất đồ gỗ và ván nhân tạo cho giá trị gia tăng lớn nhất (2) Chế biến lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào tre nứa và dược liệu. Do vậy, nghị định cần hướng dẫn thêm các nội dung như tiêu chí xác định đối tượng hỗ trợ, hình thức hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chế biến lâm sản ra sao; các hình thức ưu tiên loại hình công nghiệp hỗ trợ…
b, Các hướng dẫn tại mục 1 của dự thảo Nghị định quy định gỗ hợp pháp Việt Nam khá trừu tượng, khó vận dụng đối với những người tham gia hoạt động thương mại lâm sản. Do vậy, nghị định cần hướng dẫn một số nội dung quan trọng sau: Khái niệm hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, Ban hành tiêu chí, thẩm quyền, quy trình, thủ tục phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ.
c, Nội dung Chính sách phát triển thị trường lâm sản quy định tại điều 70 của Luật có nhiều nội dung quan trọng song cũng chưa được hướng dẫn cụ thể trong dự thảo Nghị định. Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung hướng dẫn cho điều này bao gồm (1) Tiêu chí Tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, thu mua, tiêu thụ lâm sản được cung cấp tín dụng ưu đãi? (2) Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế (như thế nào?) (3) Hỗ trợ xây dựng hạ tầng thương mại lâm sản.
d, Tại mục 3 dự thảo Nghị định về nội dung Quản lý thương mại lâm sản chỉ mới hướng dẫn duy nhất một điểm c, điều 72 của Luật Lâm nghiệp đó là dự báo thị trường và định hướng phát triển chế biến thương mại lâm sản. Ngoài ra có 04 điểm quan trọng chưa được hướng dẫn và rất cần thiết trong quản lý thương mại lâm sản hiện nay như (1) Xây dựng chiến lược phát triển thị trường (trong nước, ngoài nước) (2) Phòng vệ thương mại trong thương mại lâm sản (3) Giải quyết tranh chấp trong thương mại lâm sản (4) Hiện nay cơ quan quản lý chuyên ngành chế biến gỗ và lâm sản cấp trung ương, cấp tỉnh chưa thật sự rõ ràng giữa các Bộ: NN&PTNT, Xây dựng, Công thương? Do vậy, cơ quan nào công bố dự báo thị trường? Đề nghị dự thảo Nghị định ghi rõ Cơ quan chuyên ngành này là: Cục chế biến, thương mại và Phát triển thị trường nông sản.
2.4. Tại một số quy định của dự thảo Nghị định quy định cụ thể cơ quan chủ trì hoặc được thực hiện một số vấn đề, ví dụ giao Kiểm lâm trong quy định về gỗ hợp pháp. Việc quy định như vậy còn phụ thuộc vào Nghị định về quy định cơ quan Kiểm lâm, quy định về tổ chức quản lý ngành, mặt khác sẽ bỏ qua vai trò của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan cấp trên của Chi cục Kiểm lâm dẫn đến khó khăn cho điều hành và lãnh đạo. Vì vậy đề nghị sửa lại: đối với trung ương giao Bộ Nông nghiệp và PTNT, đối với địa phương giao UBND (tỉnh, huyện) hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT.
2.5. Về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng quy định trong Luật, do không giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên trong quá trình xây dựng Luật đã có nhiều ý kiến về vấn đề này, trong thực tiễn thi hành Luật năm 2004 cũng nảy sinh vấn đề: Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là chủ sở hữu rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng chỉ có quyền quản lý, sử dụng rừng; mối quan hệ giữa chủ rừng không có quyền sở hữu với chủ rừng là chủ sở hữu (trong trường hợp giao, cho thuê, đồng quản lý…) dễ dẫn đến hiểu sai quyền, nghĩa vụ và tranh chấp hoặc vi phạm. Vấn đề này nếu không được quy định riêng thì sẽ lồng vào các quy định của Nghị định để làm cơ sở thực hiện.
Mời quý độc giả xem và tải thêm tại đây với phiên bản tiếng anh và tiếng việt