Ngày 21-03-2021,tại Bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN) đã trồng loạt cây đầu tiên, khởi động Dự án: Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh. Tới dự có đông đảo bà con người dân tộc Mã Liềng, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa và các xã lân cận.
Phó giám đốc VARS, ông Ngô Văn Hồng, phát biểu: “Rừng tự nhiên bị mất, theo thời gian, cũng sẽ mất dần các giá trị về đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến việc duy trì bản sắc văn hóa và không gian sinh tồn của các cộng đồng sinh sống dựa vào rừng”. Nhắc lại “những giây phút đau thương do lũ lụt, sạt lở ở nhiều ngọn núi mà phần lớn xảy ra tại khu vực đất trống, đồi núi trọc hoặc có rừng tự nhiên nhưng là rừng rất nghèo không đủ khả năng phòng hộ môi trường, giữ nước.” Ông Hồng nhấn mạnh: “Điều đó đã thôi thúc chúng tôi phải hành động khẩn trương, góp công sức của mình cho việc trồng rừng, bảo vệ rừng và phục hồi rừng tự nhiên ở nước ta. Chúng tôi thành lập công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng để đảm bảo tư cách pháp nhân trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân triển khai thực hiện các hoạt động đầy ý nghĩa và nhân văn này”.
Có mặt tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, TS Hứa Đức Nhị, “thật sự cảm kích và ủng hộ các sáng kiến và ý tưởng của các tổ chức, như Công ty trách nhiệm hữu hạn xã hội VARS, CERGORN và các tổ chức cá nhân khác đã có ý tưởng huy động các nguồn lực xã hội để cùng với người dân miền núi hay những nơi có điều kiện phục hồi lại các khu rừng, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và nâng cao đời sống của người dân”.
Ông Nhị phân tích: “Các khu rừng đầu nguồn, như lưu vực đầu nguồn Sông Gianh ở đây, có vai trò rất quan trọng trong điều tiết nguồn nước tự nhiên, góp phần giảm bớt lũ lụt ở hạ lưu; Rừng là nơi sinh tồn và phát triển của rất nhiều các động thực vật, làm nên sự phong phú của đa dạng sinh học; Rừng cũng là nguồn cung cấp rất nhiều sản vật mà người dân nơi đây từ bao đời nay đã luôn sinh sống phụ thuộc vào rừng. Rừng còn trực tiếp là nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác, là nơi gắn bó của biết bao thế hệ”.
Nguyên là Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, TS Hứa Đức Nhị thừa nhận: “Cùng với sự phát triển của xã hội, rất không may, nhiều diện tích rừng đã bị mất đi và chúng ta đều đã chứng kiến những hệ quả mà nó đem lại. Việc bảo vệ rừng, phục hồi lại các khu rừng hay phát triển thêm những diện tích rừng mới là nhiệm vụ của tất cả mọi người và của cả xã hội”. Kết thúc bài phát biểu, ông Nhị nói: “Rừng có vai trò rất quan trọng, nhưng sự tồn tại của rừng cũng luôn gắn với đời sống và sinh kế của người dân trong vùng; Chúng tôi mong muốn và hy vọng Dự án phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh sẽ hỗ trợ những người trồng rừng vừa tạo ra những khu rừng có chất lượng cao nhất là trong việc điều tiết nguồn nước, vừa phát triển các lợi ích phi gỗ dưới tán rừng và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh từ rừng”. Ông “Chúc dự án Phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh thành công và hy vọng sẽ có thật nhiều các dự án như vậy trong cả nước”.
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tuyên Hóa, cho rằng, “Đây là (hành động) rất ý nghĩa nhằm khôi phục diện tích rừng đầu nguồn sông Gianh”. Ông Thương cho biết: “Huyện Tuyên Hóa, trên 70% là rừng (hơn 95.000ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm trên 30.000ha, ngoài ra rừng tự nhiên sản xuất, rừng trồng chiếm trên 60.000ha. Hiện nay, rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo kiệt, đối với những cánh rừng đầu nguồn ngoài nghèo kiệt thì người dân triển khai trồng rừng sản xuất, trồng keo, kéo theo đó là hiện tượng xói mòn, sạt lở đất. cụ thể năm 2020 đã có trận lũ lớn gây sạt lở và trôi lở đất. Do đó việc trồng rừng đầu nguồn là một việc làm vô cùng có ý nghĩa.”
Thay mặt người dân bản Kè, Già làng Cao Dụng nói: “Mặc dù có phát triển và cải thiện so với trước đây nhờ sự quan tâm của dự án, cho tới giờ đã có cơm ăn áo mặc nữa, nhưng dân Mã Liềng, không chỉ riêng bản Kè mà cả 3 bản Chuối, Cáo, Kè còn rất khổ. Cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của địa phương, các dự án.” Già làng thẳng thắn: “Chương trình dự án lần này về, trồng cây bản địa là những cây gỗ quý, chúng tôi rất mừng và sẽ cố gắng bảo vệ. Nhưng để làm được thì còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ trước sự phá hoại của trâu bò và sau này là cả con người nữa.”
Ngay trong buổi sáng 21-3, bà con Mã Liềng đã cùng các thành viên Dự án đã cùng trồng cây bản địa trên phần đất từng là rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc Mã Liềng, thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Dự kiến, tới ngày 10-4-2021, VARS sẽ cùng bà con trồng xong 8,3 hecta đầu tiên này.
Dự án bắt đầu tại bản Kè, theo yêu câu của Cộng đồng người Mã Liềng và của UBND xã Lâm Hóa. Ngày 10-3-2021, UBND xã Lâm Hóa, Ban quản lý Rừng cộng đồng bản Kè, Hạt Kiểm lâm huyện và trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) đã cùng ký biên bản nhất trí. Ngày 17-3-2021, UBND huyện Tuyên Hóa đã ra thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cao Xuân Tín: “Chương trình tài trợ và phục hồi rừng bằng cây bản địa giai đoạn 2021 – 2030 của VARS là một chương trình thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên trên địa bàn”. UBND huyện đồng ý và ủng hộ VARS trồng 100 hecta rừng trong năm 2021, bắt đầu từ 8,3 hecta ở bản Kè, cùng đồng bào Mã Liềng khôi phục rừng cộng đồng.
Dự án “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh” là dự án được ấp ủ bởi những người sáng lập Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS). VARS đăng ký hoạt động từ tháng 10-2020, theo hình thức phi lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa.
Ba người sáng lập VARS gồm: Nhà báo Trương Huy San [Người sáng lập Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa (từ 2014) và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện: Dựng Lại Nhà cho bà con vùng lũ; xây 53 căn nhà cho bà con dân tộc A Rem].Nhà nghiên cứu Ngô Văn Hồng [Chuyên gia Quản lý Tài nguyên rừng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD)]. ThS Nguyễn Quang Đồng [Chuyên gia Chính sách Công, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS)].
Vì hoạt động của VARS dựa trên hai nguồn thu chính, những hoạt động kinh doanh của VARS và các nguồn đóng góp của xã hội, nên ngoài các sáng lập viên, VARS lập Hội đồng Tín thác để giúp Chương trình lan tỏa và tham vấn phương thức quản trị nguồn vốn sao cho minh bạch và hiệu quả nhất. Hội đồng gồm một số nhà khoa học có uy tín và một số nhà hoạt động xã hội: TS Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT. ThS Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam. PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý rừng Bền vững và Chứng chỉ rừng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Lâm Nghiệp. Bà Phạm Thị Hồng Ánh, diễn viên, đạo diễn Điện ảnh. Bà Đinh Ngọc, Phóng viên báo Nhân Dân. Bà Võ Khánh Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần Du Lịch Hà Tĩnh.
Mục tiêu chính của Dự án “Trồng và Phục hội Rừng đầu nguồn Sông Gianh” là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên. Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn có tham vọng đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.
Nhiều năm qua, những nhà sáng lập của VARS và một số chuyên gia về lâm sinh và chính sách bảo vệ rừng đã khảo sát thực địa, tiếp xúc với bà con, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số ở những vùng rừng bị phá, hiện đang trở thành đất trống, đồi núi trọc. Nhiều nơi, bà con nhận ra, việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên không những có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại cho họ nhiều lợi ích như: khai thác lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, lấy mật ong rừng và bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng. Bà con nhận thức được những giá trị đó nhưng không có khả năng tự lực.
Với “mỗi 50 nghìn đồng” được đóng góp, chúng tôi sẽ trồng được một cây bản địa như lim, gõ, dỗi, vàng tâm… (bao gồm chi phí cây giống, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng). Bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài. Các địa phương cũng rất hoan nghênh chương trình của chúng tôi. Chính quyền địa phương đã cam kết sẽ cùng đồng hành và đảm bảo cho bà con trồng và giữ rừng lâu dài theo các quy định của Nhà nước.
Đây là dự án được chuẩn bị để vận hành lâu dài. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt của VARS là trồng đươc 100 hecta rừng trong năm 2021. Một trăm hecta này sẽ được trồng cùng với bà con người dân tộc Mã Liềng hiện sinh sống đầu nguồn Sông Gianh thuộc các huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá của tỉnh Quảng Bình và với bà con dân tộc Cơ Tu hiện đang sinh sống tại các huyện Đông Giang, Tây Giang và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam.
Chúng tôi chọn ngày 21-3-2021, ngày FAO kêu gọi thế giới trồng rừng để khởi động giai đoạn Một của Dự án. Tài khoản của chúng tôi: ACB 213216 chi nhánh Minh Khai, Hà Nội. Góp Một Cây Để Có Rừng. Hãy đồng hành cùng VARS.