Việt Nam có diện tích tự nhiên 33,17 triệu ha, trong đó 3⁄4 là đồi, núi; dân số 97 triệu người; 54 dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số với 14 triệu người (Nguyễn Văn Nhật, 2018), khoảng 25 triệu người sống trong rừng và gần rừng, trong đó có một bộ phận lớn sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng và đất rừng. Cả nước có trên 60.000 cộng đồng, trong đó có trên 10.000 cộng đồng tại các vùng đồi, núi là các thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum sóc đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao 1.166.470 ha rừng (chiếm 8%) diện tích rừng của cả nước (Nguyễn Bá Ngãi và Nguyễn Quốc Trị, 2020). Những cộng đồng này được hình thành và phát triển gắn với rừng, cuộc sống của họ luôn phụ thuộc vào rừng. Qua nhiều thế hệ, những kinh nghiệm sản xuất, cách thức tự quản của cộng đồng được hình thành, chọn lọc, phát triển trở thành những phong tục tập quán ăn sâu vào mỗi thành viên trong cộng đồng. Tất cả những phong tục tập quán đó, với một lẽ tự nhiên đã hình thành nên quyền hưởng dụng chung của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với đất đai và rừng. Quyền hưởng dụng theo phong tục tập quán đóng vai trò to lớn, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong những thập kỷ gần đây, kinh tế-xã hội của đất nước phát triển nhanh, nhiều lĩnh vực sản xuất, ngành nghề mới được hình thành, quan hệ sản xuất mới được thiết lập, và ngay tại các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số thì những hệ thống hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán cũng bị ảnh hưởng hoặc thay đổi theo các quy định của pháp luật và bối cảnh phát triển. Khuôn khổ pháp luật hiện tại đã cho phép thừa nhận và khuyến khích áp dụng những phong tục tập quán tốt của cộng đồng trong tiếp cận, quản lý và sử dụng đất đai, rừng; và Nhà nước hiện đã thừa nhận quyền của trên 10.000 cộng đồng dân cư đối với 1.166.470 ha rừng (Bộ NN&PTNT, 2021). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phong tục tập quán quý báu, kinh nghiệm sản xuất truyền thống của cộng đồng đang hoặc có nguy cơ bị lãng quên, mai một, không được duy trì và phát triển, không được Nhà nước thừa nhận. Sự lãng quên, mai một hoặc mất quyền hưởng dụng đất đai, rừng theo phong tục tập quán đã và đang dẫn đến hệ lụy là quản lý đất đai và rừng trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn: nhiều nơi rừng tự nhiên bị mất hoặc suy giảm chất lượng rõ rệt; đất đai, rừng sử dụng kém hiệu quả, thoái hóa nhanh và bị chuyển sang các mục đích khác; quyền tiếp cận rừng của đồng bào dân tộc thiểu số bị giới hạn nhiều so với trước đây; không gian sinh tồn gắn với thực hành các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng đồng bào dân tộc bị thu hẹp.
Để duy trì và phát huy được những phong tục tập quán nói chung, quyền hưởng dụng đối với đất đai và rừng theo phong tục tập quán, một trong những hành động đầu tiên phải thực hiện là tài liệu hóa những quyền hưởng dụng theo phong tục tập quán này. Tài liệu này bao gồm các bước, cách thức chọn lọc, tổng hợp, cập nhật phong tục tập quán về quyền hưởng dụng đối với đất đai và rừng thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tiến trình tài liệu hóa được trình bày một cách trực quan, sinh động, dễ sử dụng cùng
với các ví dụ điển hình trong cuốn Sách hướng dẫn này với mong muốn góp phần bảo tồn các giá trị của cộng đồng.
Với trên 10.000 cộng đồng đồng bào dân tộc, chắc chắn sẽ có hàng ngàn phong tục tập quán, kinh nghiệm truyền thống tốt đẹp hay các quyền hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán cần phải được tài liệu hóa. Hy vọng rằng, với cuốn Sách hướng dẫn này, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện tốt việc tài liệu hóa các phong tục tập quán, kinh nghiệm truyền thống tốt đẹp ở các cộng đồng.
Sách hướng dẫn bao gồm 6 chương. Mỗi chương có những nội dung chính như sau:
Chương 1 là phần giới thiệu Sách hướng dẫn như được trình bày ở trên để trả lời được ba câu hỏi Tại sao phải biên soạn Sách hướng dẫn?; Ai sử dụng Sách hướng dẫn?; Sử dụng Sách hướng dẫn như thế nào?
Chương 2 là phần tổng quan về hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán ở Việt Nam. Chương này trình bày rõ ba nội dung: Quyền hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán được hiểu như thế nào?; Khuôn khổ pháp lý và thể chế thừa nhận quyền hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán; Những cơ hội và thách thức cho việc thừa nhận quyền hưởng dụng theo phong tục tập quán. Cán bộ phát triển cộng đồng tham khảo và học được từ các nội dung này thông qua một lớp tập huấn cho người tập huấn lại (TOT) để có một sự hiểu biết và nhận thức chung về quyền hưởng
dụng theo phong tục tập quán như: khái niệm, thuật ngữ, vai trò cũng như lợi ích của quyền hưởng dụng theo phong tục tập quán; cơ sở pháp lý và thể chế cũng như thách thức và cơ hội để tài liệu hóa quyền hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán ở Việt Nam.
Chương 3 trình bày các nguyên tắc tài liệu hóa: nhóm nguyên tắc cơ bản thuộc về cách tiếp cận, yêu cầu về đạo đức, phẩm chất, thái độ và kỹ năng cùng tham gia mà mỗi cán bộ phát triển cộng đồng làm công tác tài liệu hóa phải học từ Sách hướng dẫn này và thấm nhuần xuyên suốt trong quá trình tài liệu hóa. Những người lãnh đạo hoặc những người có uy tín, có vai trò hạt nhân trong cộng đồng cũng được tập huấn, chủ động tham khảo và học hỏi từ Sách hướng dẫn cả 2 nguyên tắc trên để có phẩm chất, thái độ cũng như kỹ năng cùng tham gia trong quá trình tài liệu hóa.
Chương 4 trình bày các bước từ chuẩn bị cho đến thực hiện tài liệu hóa hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán với tiến trình gồm 4 giai đoạn và mỗi giai đoạn gồm các hoạt động kế tiếp nhau thành các bước. Giai đoạn I: Tập huấn gồm bước đào tạo cán bộ tài liệu hóa; Giai đoạn II: Chuẩn bị tài liệu hóa gồm các bước tổng hợp tài liệu thứ cấp, xác định mục tiêu tài liệu hóa, xác định người tham gia tài liệu hóa, tập huấn cho cán bộ cộng đồng và nông dân chủ chốt; Giai đoạn III: Tài liệu hóa gồm các
bước tham vấn cộng đồng, khảo sát hiện trường và nghiên cứu điểm, tổng hợp kết quả tài liệu hóa, trình bày kết quả tài liệu hóa; Giai đoạn IV: Hoàn thành kết quả tài liệu hóa và chia sẻ.
Chương 5 trình bày các công cụ và kỹ thuật dùng cho tài liệu hóa hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán. Chương này giải thích các thành phần chính của quyền hưởng dụng đất đai và đất rừng theo truyền thống đồng thời cung cấp những hướng dẫn trong việc lựa chọn các khía cạnh cần tập trung vào trong quá trình tài liệu hoá và các phương pháp, công cụ được sử dụng để đánh giá các khía cạnh đó.
Chương 6 trình bày về hành động tập thể và kiến nghị. Chương này trình bày 2 nội dung quan trọng của hành động tập thể là vận động chính sách, và bảo tồn, duy trì, phát triển các giá trị hưởng dụng đất đai và rừng theo phong tục tập quán. Một số kiến nghị đối với 3 chủ thể chính là cộng đồng, các tổ chức phát triển cộng đồng, tổ chức chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước.