Tính đến thời điểm này, việc xây dựng Dự thảo Luật đã đi được hơn nửa chặng đường, đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ Ba vào tháng 5/2017, sau đó được Ủy ban KHCN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến tại các hội nghị, hội thảo.

Hội thảo góp ý về Dự thảo Luật bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) – Ảnh: HNV

Lần này, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là mốc đổi mới quan trọng trong công tác lâm nghiệp, nhằm mục tiêu thể chế hóa quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp trong tình hình và bối cảnh mới.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT khẳng định, xuất phát từ thực tiễn và đòi hỏi của tình hình mới, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) lần này cần có nhiều quy định không những đổi mới căn bản trong nội dung, phương thức quản lý rừng theo hướng bền vững, xác định rõ quyền, trách nhiệm chủ rừng, cơ quan quản lý nhà nước mà còn nâng cao giá trị của rừng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Cũng theo đồng chí Phan Xuân Dũng, Hội thảo lần này được tổ chức với mong muốn thu thập được nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật cả về quan điểm, định hướng quản lý cũng như các nội dung cụ thể của từng điều khoản để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, khắc phục tồn tại, bất cập trong thời gian qua.

Mục tiêu hiện nay là hướng tới bảo vệ tốt vốn rừng hiện có trên toàn quốc với trên 14,1 triệu ha, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên và chủ trương đóng cửa rừng, bảo đảm tăng độ che phủ của rừng, phát huy các chức năng bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, phát triển kinh tế lâm nghiệp phù hợp với năng lực sản xuất trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, trong đó thực hiện đồng bộ theo chuỗi giá trị lâm nghiệp từ trồng rừng đến khai thác, sử dụng, chế biến thương mại lâm sản. Hiện, cả nước có trên 3.500 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã xuất khẩu vào hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trong đó các thị trường phát triển. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ 2,8 tỷ USD (2009) lên 5,7 tỷ USD (2013) và 7,3 tỷ USD (2016).

Vì thế, việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) càng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở pháp luật để điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS Đặng Hùng Võ kiến nghị, sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) là sự nghiệp của nhân dân, vai trò chính là cộng đồng dân cư tại địa phương có đời sống, sinh kế gắn với rừng; nhiệm vụ BV&PTR phải gắn với quyền hưởng lợi từ rừng trong một phạm vi nhất định. Hơn nữa, cần làm rõ yếu tố sở hữu rừng nhằm bảo đảm tinh thần chủ động trong BV&PTR.

Trong khi đó, theo chuyên gia Phan Đình Nhã, Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa cộng đồng Đông Nam Á – Việt Nam (Trung tâm CIRUM), BV&PTR là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là các chủ rừng được Nhà nước giao quản lý bảo vệ rừng. Rừng được quản lý bảo vệ hiệu quả không thể tách rời vai trò tham gia của cộng đồng dân cư địa phương nơi có rừng, trong đó chủ rừng làng bản là lực lượng nòng cốt tham gia quản lý bảo vệ rừng gắn với phong tục tập quán của các dân tộc. Do vậy, việc hợp thức hóa và đảm bảo tiếp cận đầy đủ quyền quản lý sử dụng, BV&PTR truyền thống cho cộng đồng dân cư làng bản các dân tộc thiểu số vừa là mục tiêu, vừa là động lực để bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội đảm bảo an ninh nguồn nước và an ninh quốc phòng cho quốc gia. Chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hơn lúc nào hết cần hướng tới chủ rừng đích thực ở miền núi là cộng đồng dân cư làng bản tại chỗ. Không đảm bảo quyền tiếp cận quản lý rừng và đất rừng, thiếu quyền tham gia quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế rừng bền vững của người dân và cộng đồng dân cư tại chỗ (bản địa) thì nguy cơ mất rừng và bất ổn xã hội ngày càng hiện hữu, ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Tại Hội thảo, ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng phân tích về khái niệm rừng, phân loại rừng, quy định về giao rừng, cho thuê rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng – bao gồm cả giao rừng cho người dân và cộng đồng dân tộc thiểu số cũng như đề cập tới một số lưu ý về chủ rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, chính sách BV&PTR. Ngoài ra, còn đề cập tới tổ chức bộ máy lâm nghiệp, đóng cửa rừng tự nhiên…/.

Các kiến nghị hội thảo: Góp ý dự thảo, Những điểm mới trong DT luật 6.1

Theo báo Đảng Cộng Sản