Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học

Đối Mặt Vấn Đề

Tốc độ tuyệt chủng của các loài đang gia tăng nhanh chóng, cao gấp 10-100 lần so với 10 triệu năm trước, đẩy Trái Đất đến nguy cơ rơi vào kỳ tuyệt chủng lớn nhất kể từ khi các loài khủng long không cánh biến mất trên hành tinh 66 triệu năm về trước.

Việc con người phung phí tài nguyên thiên nhiên – vốn giúp mang lại sự thịnh vượng cho xã hội, đã đẩy khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đến bên bờ vực tuyệt chủng.

68%

Mức suy giảm trung bình của quần thể động vật có xương sống
trên toàn cầu từ năm 1970 đến 2016 **

Hệ sinh thái dần bị hủy hoại với tốc độ ngày càng cao do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu. Sự suy giảm đa dạng sinh học đang gây đứt gãy các mắt xích trong các quần xã sinh vật, dẫn tới mất cân bằng sinh thái trên Trái Đất. Đồng thời, chính sự suy giảm đa dạng sinh học cũng đã và đang gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của con người với các tác động của biến đổi khí hậu.

VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG 12 TRUNG TÂM ĐA DẠNG SINH HỌC
1 TRONG 16 QUỐC GIA SỞ HỮU ĐA DẠNG SINH HỌC CAO NHẤT TOÀN CẦU VỚI CÁC NGUỒN GEN QUÝ, HIẾM

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài động, thực vật nấm có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ tính riêng loài động vật có xương sống, tại Việt Nam có đến 396 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và 227 loài thực vật có mạch cũng trong tình trạng này theo danh mục sách đỏ của IUCN 2021.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là hiện tượng mất rừng, mở rộng diện tích canh tác và hoạt động săn bắn động vật, khai thác gỗ trái phép cùng với biến đổi khí hậu.

* Theo Báo cáo Đánh giá Toàn cầu về Đa dạng sinh học và các Dịch vụ hệ sinh thái của Diễn đàn Chính sách – Khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) năm 2019
** Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của WWF

GIẢI PHÁP NÀO

Cho Vấn Đề?

2021 – 2030 đã được Liên hợp quốc chọn là thập kỷ Phục hồi
Hệ sinh thái

Với hàng loạt báo cáo về sự suy giảm đa dạng sinh học và các tác động của vấn đề này được công bố trên toàn cầu, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã đang là một trong những vấn đề được quan tâm ở quy mô toàn cầu. Hơn 190 quốc gia tham gia công ước Đa dạng sinh học, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng chiến lược mới về đa dạng sinh học tầm nhìn đến năm 2050 và các biện pháp thực hiện và giám sát đánh giá tiến độ đạt được mục tiêu chung toàn cầu, trong đó cam kết bảo vệ 30% đất liền và đại dương của mỗi nước vào năm 2030. Việt Nam đã tham gia Công ước Bảo về đa dạng sinh học từ năm 1994 và thể hiện mình là một trong những quốc gia thành viên tích cực trong thực hiện bảo vệ đa dạng sinh học với hàng loạt chính sách bao gồm Luật và nghị định như:
  • Luật đa dạng sinh học (2008) và văn bản hợp nhất (2011)
  • Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy Sản, Luật Bảo vệ Môi trường…
  • Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được thành lập, với gần 2.5 triệu hecta. Chính quyền, tổ chức và cộng đồng ở Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện các chính sách cũng như thực hành tích cực để tiến tới bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Giải Pháp Từ CERGON

Bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng

Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của CEGORN. Và bảo tồn dựa vào cộng đồng chính là một trong những phương thức mà CEGORN hướng tới. Thực tế đã chứng minh, hơn 1 triệu hecta diện tích rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý đã và đang được bảo vệ rất tốt.

Dựa vào tri thức bản địa và phong tục tập quán, cộng đồng không chỉ giúp quản lý những khu vực chưa đủ điều kiện thành lập vườn quốc gia hay khu bảo tồn. Đây còn là ‘cánh tay nối dài’ của các hoạt động đồng quản lý, bảo tồn ở các Vườn quốc gia, vùng đệm vườn quốc gia hay thậm chí là các diện tích rừng chưa được giao cho cộng đồng.

Hành động cùng cộng đồng

Đối với hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, CEGORN với lợi thế là một tổ chức có trụ sở tại Quảng Bình, một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, đã phối hợp với Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng để thành lập 20 tổ bảo tồn cộng đồng từ năm 2015 nhằm hỗ trợ các cộng đồng sống tại vùng đệm và trong vườn quốc gia.

Ngoài ra, từ năm 2017, CEGORN đã đồng hành cùng cộng đồng huyện Tuyên Hóa để tổ chức các hoạt động vận động chính sách cũng như triển khai thí điểm bảo tồn hiệu quả loài Voọc gáy trắng – loài động vật đặc hữu đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Đối với hoạt động bảo tồn rừng và hệ thống thực vật bao gồm gỗ và lâm sản dưới tán rừng, CEGORN đã và đang song hành cộng đồng và các tổ chức trong liên minh, mạng lưới thực hiện nhiều chương trình tại các tỉnh như: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Kon tum, Dak Lak, Lào Cai, Nghệ An… Các chương trình chính bao gồm:

  • Phục hồi rừng tự nhiên bằng cây bản địa, làm giàu rừng bằng cây bản địa
  • Phát triển dược liệu dưới tán rừng
  • Phát triển lâm sản dưới tán rừng

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ngoài trực tiếp thực hiện các hoạt động kỹ thuật, trồng rừng và tư vấn bảo tồn đa dạng sinh học, CEGORN cũng thương xuyên có các hoạt động nâng cao nhận thức qua các chương trình tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và không bỏ qua yếu tố bình đẳng giới trong quá trình thực hiện.

Các mô hình thí điểm với các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn giúp CEGORN và các thành viên trong mạng lưới, đối tác của mình có những đề xuất cải thiện chính sách phù hợp nhằm hướng tới phát triển bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.