Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu

Đối Mặt Vấn Đề

Biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tạo nên các tác động lớn đến kinh tế – xã hội – môi trường thế giới. Báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho thấy, kể cả khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên chỉ 1.5°C theo mục tiêu đặt ra của các quốc gia tham dự hội nghị COP 26 thì đến năm 2100 khí hậu sẽ khắc nghiệt gấp 4 lần. Và nếu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2°C thì số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng lên gấp 5 lần. Trong khi đó, hiện nay có đến 3.3 tỉ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan tăng gấp 15 lần. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1.5°C, con số này tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2°C và 3°C, 35% diện tích trên Trái Đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá. 

Theo Báo cáo khí hậu Châu Á 2021 được công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP27 thì cho thấy mức độ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu của châu Á đang tăng cao, gây ảnh hưởng lên 48,3 triệu người. Ước tính thiên tai đã dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế là 35.6 tỷ USD, cao hơn mức trung bình của 2 thập kỷ qua.

Trong khi đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Ngoài ra, Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế, với các nỗ lực của mình, loài người chỉ giảm được tốc độ và tác động của biến đổi khí hậu, chính vì thích ứng với biến đổi khí hậu: “tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại” là một trong những vấn đề tiên quyết trong phát triển kinh tế – xã hội và môi trường. Chính bởi vậy, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động được ưu tiên trong chiến lược chính sách phát triển của các quốc gia trên toàn cầu cũng như là ở Việt Nam.

GIẢI PHÁP NÀO

Cho Vấn Đề?

Ứng phó với biến đổi khí hậu và có các giải pháp

Trong bối cảnh đó, nhằm có các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm của con người vào biến đổi khí hậu đồng thời có những cam kết và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên toàn cầu cũng như giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển,  Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được xây dựng năm 1992 và chính thức có hiệu lực năm 1994 với 165 quốc gia ký kết và cụ thể hóa tại Nghị định thư Kyoto (1997) với 195 quốc gia ký kết, tiếp nối là sự tham gia ký kết của 197 nước vào Thỏa thuận Pari (2015). Và được đánh giá tiến trình đối phó với biến đổi khí hậu hằng năm thông qua Hội nghị các bên (COP).

Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hoạt động phòng chống biến đổi khí hậu, đã chủ động tham gia vào Công ước khung của Liên hợp quốc năm 1992 và ký kết Nghị định thư Kyoto (1998) Thỏa thuận Pari (2016) và đưa ra những cam kết ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26, trong đó giảm phát thải về 0 vào năm 2050, đồng thời xây dựng các chính sách thực thi trong nước và thực hiện các hành động thiết thực, hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu như Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, giảm mức phát thải nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo như Việt nam đã cam kết tại hội nghị COP26. Việt Nam cũng phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên.

Giải Pháp Từ CEGORN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ cùng những tác động lên kinh tế, xã hội và môi trường thì các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, CEGORN đã và đang góp một phần trong nỗ lực này bằng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ năm 2021, CEGORN triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trồng và phục hồi rừng, với sự hỗ trợ của VARS với mục tiêu trồng mỗi năm 100ha rừng trong chương trình Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh. Việc trồng và phục hồi rừng tự nhiên bằng cây bản địa ở các khu vực rừng đầu nguồn không những nâng cao độ che phủ của rừng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo như Việt Nam đã cam kết tại hội nghị COP 26, và đặc biệt hơn, việc phục hồi các cánh rừng đầu nguồn sẽ góp phần giảm tình trạng lũ lụt và hạn hán ở các vùng ven sông và hạ lưu – một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, CEGORN cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ bảo tồn động vật hoang động vật hoang dã, bảo tồn rừng và đóng góp các chính sách lâm nghiệp, đất đai để quản trị bền vững.

Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng phát triển nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu mà CEGORN hướng tới. Các mô hình nông lâm nghiệp kết hợp gắn với bảo tồn động vật hoang dã, mô hình phát triển lâm sản dưới tán rừng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Ngoài các hoạt động mô hình thực địa, CEGORN cũng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tư vấn liên quan đến bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển tài nguyên dựa trên văn hóa bản địa, góp phần giảm rủi ro do biến đổi khí hậu.