Tri thức bản địa
Đối Mặt Vấn Đề
Tri thức bản địa là kết tinh của mỗi cộng đồng, được kiến tạo suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Bằng cách sáng tạo, lựa chọn và kết tinh từ kinh nghiệm thực tiễn, người dân ở mỗi cộng đồng đã xây dựng nên những hệ thống kiến thức nhằm thích nghi với môi trường tự nhiên, văn hóa.
Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, văn hóa tạo nên tính độc bản cho tri thức bản địa ở mỗi cộng đồng, tại mỗi vùng miền.
Tri thức bản địa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của cộng đồng, bảo tồn – sử dụng tài nguyên hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tài sản phi vật thể này đặc biệt quý giá với Việt Nam – mái nhà của 54 dân tộc anh em.
TRI THỨC BẢN ĐỊA ĐANG DẦN BỊ MAI MỘT VÀ BIẾN MẤT
Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc và mỗi cộng đồng trong các dân tộc đó đang lưu giữ cho mình những nét văn hóa truyền thống và hệ thống tri thức bản địa phong phú về các khía cạnh
- Sự nhận biết, kinh nghiệm khai thác, sử dụng và quản lý các yếu tố tự nhiên
- Các tri thức liên quan đến quá trình mưu sinh
- Các tri thức liên quan đến đời sống vật chất
- Các tri thức trong việc quản lý xã hội
- Các tri thức trong đời sống tinh thần
Tuy nhiên hiện nay, không gian sinh tồn của cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần rừng, đang bị phá vỡ bởi nhiều can thiệp như: thay đổi về các quy định liên quan đến quản lý tài nguyên, phương thức canh tác, sản xuất; việc áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật. Trong đó, việc áp dụng tri thức bản địa vào phát triển chưa thực sự được quan tâm đúng mực.
Nhiều can thiệp đã được thực hiện nhưng không có đánh giá đầy đủ về tác động xã hội dẫn đến phát triển thiếu tính kế thừa khiến tri thức bản địa của các cộng đồng cũng dần bị mai một và biến mất.
Điển hình như trên thế giới, trong cuộc cách mạng xanh ở Ấn Độ giai đoạn 1960 – 1970, mặc dù đã cho năng suất cao, giải quyết được tình trạng thiếu hụt lương thực trong giai đoạn này, tuy nhiên đã để lại một loạt hệ lụy về môi trường, đa dạng sinh học, nguồn gen giống bản địa, mất rừng, sa mạc hóa, phá vỡ tính khép kín cộng đồng địa phương.
Sự lãng quên và biến mất của tri thức bản địa đe dọa mục tiêu phát triển bền vững, phá vỡ kết cấu cộng đồng.
GIẢI PHÁP NÀO
Cho Vấn Đề?
Áp dụng tri thức bản địa trong thúc đẩy phát triển bền vững
Mặc dù khái niệm Tri thức bản địa bắt đầu được hình thành từ năm 1979, song phải đến năm 1998, với sự tác động mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới qua chương trình “Tri thức bản địa cho sự phát triển” ở các nước châu Phi, khẳng định vai trò không thể thiếu của tri thức bản địa đối với Phát triển bền vững qua tuyên bố: “Tri thức bản địa là một phần không thể thiếu trong văn hoá và lịch sử của một cộng đồng địa phương. Chúng ta cần thiết phải học hỏi từ các cộng đồng địa phương để có thể thúc đẩy quá trình phát triển”.
Sự thành công của chương trình là nền tảng cho sự quan tâm và áp dụng tri thức bản địa vào các chương trình phát triển ở các quốc qua trên thế giới. Sự quan tâm này càng được thể hiện rõ nét hơn trong những báo cáo của chính phủ các quốc gia như Uganda, Nam Phi và Philippin. Vai trò của tri thức bản địa cũng được công nhận rộng rãi qua các báo cáo của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO).
Tại Việt Nam, dù chưa có khái niệm chính thức về Tri thức bản địa trong văn bản pháp luật, song việc áp dụng tri thức bản địa trong những năm gần đây đã bắt đầu được quan tâm và áp dụng thông qua các chương trình phát triển văn hóa, thương mại, quản lý tài nguyên, giao đất giao rừng theo truyền thống cho cộng đồng quản lý theo truyền thống.
Đối Mặt Vấn Đề
Phát triển dựa trên bảo tồn tri thức bản địa luôn là ưu tiên của CEGORN
Với lợi thế là một tổ chức làm việc trực tiếp với cộng đồng các địa phương, CEGORN có cơ hội tiếp cận, thực hiện các nghiên cứu nhiều tri thức bản địa tại địa phương. Nhờ vậy, CEGORN luôn tìm ra phương cách để lồng ghép các hoạt động bảo tồn tri thức bản địa vào các chương trình phát triển tại các cộng đồng.
Không dừng ở đó, với kinh nghiệm thực tiễn, CEGORN còn đóng góp khuyến nghị vào các chính sách, pháp luật cấp địa phương và cấp trung ương để từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa – tri thức bản địa gắn với phát triển bền vững.
Một trong các khía cạnh được CEGORN tập trung chính là tăng cường tiếp cận của người dân đối với tài nguyên đất đai và rừng theo truyền thống. Theo đó, việc giao đất, giao rừng cộng đồng theo truyền thống và phong tục tập quán được CEGORN cùng mạng lưới của mình thực hiện ngay những ngày đầu thành lập cho.
Tại Kon Tum, Lào Cai, Quảng Bình, hơn 3000ha đất và rừng đã được giao cho cộng đồng bảo vệ thông qua dự án “Tăng cường tiếp cận, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, Quản lý rừng bền vững thông qua tăng cường thiết chế truyền thống trong quản lý đất và rừng cộng đồng”.
Quản lý rừng dựa vào cộng đồng
Song song với các hoạt động giao đất, giao rừng, hoạt động quản lý rừng hiệu quả theo phong tục tập quán cũng được CEGORN triển khai thông qua mô hình doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng cho người Mã Liềng tại Quảng Bình, phát triển lâm sản ngoài gỗ bằng cây bản địa cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Huế, Quảng Nam.
CEGORN cũng thực hiện các hoạt động bảo tồn tài nguyên bản địa, bao gồm cả động và thực vật
- Các chương trình trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị với mục tiêu mỗi năm hơn 100ha
- Bảo tồn động vật hoang dã và đặc hữu tại địa phương, như bảo tồn Voọc gáy trắng, Vượn Siki tại Quảng Bình, thông qua hỗ trợ bảo vệ trực tiếp hoặc nghiên cứu.
- Thành lập và hỗ trợ vận hành gần 30 nhóm cộng đồng tự nguyện bảo vệ đa dạng sinh học dựa theo kinh nghiệm truyền thống và các hướng dẫn kỹ thuật mới tại Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và Rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa.
Không dừng ở đó, hoạt động phát triển bề vững, kế thừa nguồn tri thức bản địa tại các cộng đồng cũng được CEGORN thúc đẩy thông qua các nghiên cứu chuyên sâu về phong tục tập quán và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hướng dẫn tư liệu hóa theo phong tục tập quán.
Bài viết liên quan