Sinh Kế Cộng Đồng
Đối Mặt Vấn Đề
Sinh kế cùng với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong đó có rừng và văn hóa bản địa là một trong ba mũi nhọn phát triển bền vững ở cộng đồng vùng nông thôn miền núi và các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao.
Trải qua hàng ngàn năm, sinh kế của cộng đồng vùng cao luôn gắn với khai thác, quản lý tài nguyên, quản lý rừng bền vững. Họ coi rừng là không gian sinh tồn của cộng đồng, chính vì vậy, vai trò của cộng đồng vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên là rất quan trọng.
Tuy nhiên, dưới áp lực của kinh tế thị trường và nạn phá rừng và suy giảm đa dạng sinh học đã thu hẹp hoặc phá vỡ không gian sinh tồn của cộng đồng, trực tiếp gây áp lực lên tình hình an ninh lương thực của cộng đồng. Tài nguyên suy kiệt, người dân khó có thể duy trì sinh kế dựa vào rừng bằng phương pháp khai thác bền vững theo truyền thống. Đây là tình trạng chung của cộng đồng sống gần rừng ở các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
35.5%
là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng
dân tộc thiểu số tại Việt Nam – tương đương hơn 5 triệu người – chiếm phần đa tại Việt Nam*
Mặc dù, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng, tuy nhiên, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng, chống nghèo đói và đảm bảo an ninh lương thực vùng cao vẫn là một vấn đề thách thức và đáng lưu tâm.
*theo số liệu khảo sát 53 dân tộc thiểu số (công bố ngày 01/04/2019)
GIẢI PHÁP NÀO
Cho Vấn Đề?
Thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực
Các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ cộng đồng miền núi, cộng đồng sống gần rừng và sống dựa vào rừng được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội và có cơ hội phát triển sinh kế thông qua các chương trình hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp như chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, nâng cao năng lực.
Tại Việt Nam, hiện tại có hơn hơn 15 văn bản còn hiệu lực thi hành bao gồm: 03 Nghị quyết, 01 Nghị định, 12 Quyết định, 6 thông tư và các văn bản liên quan khác liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vùng DTTS&MN cùng các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sinh kế miền núi bền vững.
Những chính sách này thể hiện rằng Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển sinh kế cộng đồng miền núi và dân tộc thiểu số theo định hướng ưu tiên về phát triển sinh kế dựa vào rừng, đảm bảo quyền được tiếp cận và hưởng dụng rừng và đất rừng bằng các chính sách như giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng, giúp người dân có thể bảo vệ rừng gắn với phát triển các sản phẩm khác từ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, xoá đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập.
Giải Pháp Từ CEGORN
Xây dựng chuỗi giá trị nhằm cải thiện sinh kế cộng đồng
Cải thiện sinh kế cộng đồng gắn liền với quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những chiến lược quan trọng đã được CEGORN thúc đẩy hỗ trợ trong nhiều năm qua.
Cụ thể, CEGORN đã thúc đẩy chuỗi giá trị mật ong, măng, thuốc nam và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cho nhiều cộng đồng sinh sống ở dãy núi Trường Sơn và Tây Nguyên.
Tùy vào từng đặc điểm tài nguyên, văn hoá, khả năng cộng đồng và nhu cầu của thị trường, CEGORN sẽ cùng cộng đồng thảo luận và quyết định các giải pháp thúc đẩy cho từng tác nhân để nâng cao giá trị sản phẩm. Các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị đã giúp cộng đồng có nguồn sinh kế ổn định và bền vững trong thời gian qua.
Không dừng ở đó, CEGORN đã thiết lập và vận hành Công ty TNHH Sinh thái Miền tây Quảng Bình để xúc tiến thị trường cho các sản phẩm nông lâm sản từ cộng đồng. Đồng thời, CEGORN ký hợp tác với Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam (NTFP-EP) để mở rộng phạm vi và khả năng hỗ trợ cải thiện sinh kế cộng đồng gắn với quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Bài viết liên quan