Marketing nông sản thời toàn cầu hóa

Đối với người nông dân, sản xuất ra sản phẩm với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường đã khó, thì khâu quảng bá, giới thiệu và đưa nông sản đến tay người tiêu dùng lại càng gian nan hơn vạn lần. Nếu như trước đây, bà con phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chịu sự chi phối, ép giá từ nhiều phía, thì nay trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, toàn cầu hóa thương mại trở thành xu hướng, “cánh cửa” marketing nông sản đã mở ra những cơ hội mới, hướng đi mới.

Nhờ “cánh cửa” marketing, thời gian qua, nhiều nông dân Quảng Bình có nhiều cách thức để tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời góp phần xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản, tăng quy mô sản xuất và tính cạnh tranh trên thị trường.

Chuyên gia người Úc Robert Eadie hỗ trợ marketing cho sản phẩm mật ong Tuyên Hóa.
Chuyên gia người Úc Robert Eadie hỗ trợ marketing cho sản phẩm mật ong Tuyên Hóa.

Ông Robert Eadie là chuyên gia thiết kế và marketing đến từ nước Úc. Đến Quảng Bình để tư vấn về marketing cho sản phẩm mật ong Tuyên Hóa của Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình vào đầu năm 2016, Robert Eadie đã đóng vai trò tích cực trong việc thiết kế bộ nhãn mới, tờ rơi, áp phích giới thiệu, biển hiệu cho sản phẩm, để vừa phù hợp với tâm lý người Việt vừa đáp ứng được “gu” sở thích của du khách nước ngoài.

Để làm được điều này, Robert Eadie đã nỗ lực phối hợp với công ty để khảo sát, tổ chức các cuộc thăm dò về chất lượng sản phẩm, phân khúc các nhóm đối tượng khách hàng thường xuyên. Bên cạnh đó, ông còn trực tiếp đi khảo sát thị trường, mở rộng các điểm bán hàng mới trong và ngoài tỉnh, cũng như nghiên cứu, đánh giá những thị trường tiềm năng khác cho sản phẩm mật ong Tuyên Hóa.

Chuyên gia người Úc đã chia sẻ, một trong những thách thức của sản phẩm mật ong Tuyên Hóa trên lộ trình chinh phục thị trường chính là việc thiết kế lại nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu làm nổi bật chất lượng nguyên chất và tự nhiên của sản phẩm, đồng thời cho thấy thế mạnh của mật ong Tuyên Hóa là được sản xuất bằng kiến thức bản địa, với số lượng hạn chế và đàn ong không bị tác động bởi hóa chất hay thuốc trừ sâu.

Với mục tiêu tạo sức hút tại hệ thống các siêu thị lớn trong nước, mật ong Tuyên Hóa trong tương lai sẽ được xuất khẩu, bởi người tiêu dùng ở các nước phương Tây rất ưu chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Và ông Robert Eadie kỳ vọng sẽ còn quay trở lại Tuyên Hóa để nỗ lực góp phần biến giấc mơ này thành hiện thực.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình cho biết, mật ong Tuyên Hóa là sản phẩm đầu ra của dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị các sản phẩm mật ong để giảm nghèo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân ở các huyện miền núi phía tây Quảng Bình” do Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) thực hiện tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Bình từ năm 2013 đến năm 2014.

Vì lẽ đó, công ty có mối quan hệ chặt chẽ với các dự án, tổ chức phi chính phủ và việc mời các chuyên gia tư vấn marketing nông sản từ nước ngoài đến hỗ trợ quảng bá sản phẩm mật ong Tuyên Hóa cũng là một trong những hoạt động thường xuyên nhận được sự giúp sức tích cực từ các nhà tài trợ này.

Không chỉ Robert Eadie, một chuyên gia khác là Sophie Withers, người Úc, cũng đến Quảng Bình để hỗ trợ xây dựng chiến lược trong việc phân khúc các đối tượng khách hàng nhằm tạo cho công ty một số cách thức tiếp cận khác nhau, đồng thời cũng là người vạch chiến lược thâm nhập thị trường mật ong và chiến lược về xây dựng giá cho mật ong Tuyên Hóa dựa trên khảo sát thị trường mật ong toàn quốc.

Ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, sự tham gia tư vấn về marketing của đội ngũ chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm mật ong Tuyên Hóa trên thị trường, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với công chúng thông qua những cách thức quảng bá chuyên nghiệp, hiện đại. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của công ty và cả những nông dân tham gia sản xuất cũng có cơ hội học hỏi được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Việc thuê chuyên gia từ nước ngoài là một cách làm mới, sáng tạo và tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản tỉnh ta đến với thị trường xuất khẩu. Vì vậy, không chỉ nông sản mà nhiều lĩnh vực khác nếu có điều kiện, cơ hội tiếp cận đội ngũ tư vấn từ nước ngoài sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá.

Vào đầu tháng 9 năm 2016, Trung tâm giới thiệu và phân phối nông sản Quảng Bình chính thức đi vào hoạt động tại TP.Đồng Hới, với sự hỗ trợ từ dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) và sự quản lý, vận hành của Hội Làm vườn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Mịn, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh khẳng định, Trung tâm giới thiệu và phân phối nông sản Quảng Bình hướng tới mục tiêu trợ giúp cho nông dân toàn tỉnh, đặc biệt là nông dân ở 40 xã trong vùng dự án SRDP, phát triển sản xuất hàng hóa nông sản theo 8 chuỗi mặt hàng có lợi thế, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho nông dân, tăng thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững.

Ra đời trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta còn mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, chưa biết liên kết với nhau để tăng quy mô sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, Trung tâm chính là mắt xích trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, góp phần hỗ trợ người nông dân kết nối với thị trường đầu ra là các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, qua đó sẽ giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị các sản phẩm tiềm năng lợi thế.

Hiện tại, Trung tâm đang nỗ lực đa dạng hóa hơn nữa các mặt hàng bày bán bằng cách tăng cường sự liên kết với các trang trại trên địa bàn tỉnh để sản xuất, thu gom và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm theo các chuỗi giá trị.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản đặc sản đã có thương hiệu, như: khoai deo của HTX chế biến khoai deo Hải Ninh (Quảng Ninh), bánh mè xát, mè đen của HTX làng nghề truyền thống Tân An (Quảng Thanh, Quảng Trạch), mật ong Tuyên Hóa, nước mắm Bà Vinh, gạo SRI Lệ Thủy…, Trung tâm còn có các sản phẩm mới, chất lượng cao của các hợp tác xã, đơn vị sản xuất trong tỉnh, gồm: nhung hươu Quảng Ninh, gà sạch của HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng (Quảng Thạch, Quảng Trạch), tinh bột nghệ (Mai Thủy, Lệ Thủy), nấm linh chi Hiền Ninh… Phản hồi từ khách hàng rất khả quan với niềm tin tưởng vào nguồn thực phẩm sạch và có nguồn gốc rõ ràng.

Trung tâm giới thiệu và phân phối nông sản Quảng Bình luôn nỗ lực là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp trong quảng bá, tiêu thụ nông sản.
Trung tâm giới thiệu và phân phối nông sản Quảng Bình luôn nỗ lực là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp trong quảng bá, tiêu thụ nông sản.

Để quảng bá hình ảnh Trung tâm và thu hút người tiêu dùng, Trung tâm đã xây dựng trang web, sử dụng mạng xã hội để giới thiệu thông tin và thường xuyên cập nhật thông tin, tiến tới phát triển dịch vụ đặt hàng và mua hàng qua mạng.

Ông Hoàng Văn Mịn cho biết thêm, trong thời gian tới, song song với việc tăng cường khâu quảng bá, marketing, Trung tâm sẽ nỗ lực kết nối với người nông dân Quảng Bình để có thể đa dạng hóa sản phẩm và trở thành một trong những kênh liên kết hữu hiệu nhất giữa người sản xuất-doanh nghiệp-người tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy, makerting nông sản trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh ta đã có nhiều bước đột phá mạnh mẽ, từ có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài cho đến xây dựng cửa hàng phân phối, giới thiệu sản phẩm… Đồng thời, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, marketing nông sản không còn quá mới mẻ đối với người nông dân.

Tuy nhiên, với tỉnh ta, như ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh bày tỏ, vẫn còn đó không ít khó khăn về trình độ, nhận thức, nguồn vốn của bà con để có thể quảng bá sản phẩm chất lượng cao do chính mình làm ra theo những cách thức hiện đại và chuyên nghiệp. Và không phải người nông dân hay cơ sở sản xuất nông sản nào cũng có sự tiếp sức của những chương trình, dự án. Vì lẽ đó, tỉnh ta rất cần một chiến lược dài hơi để sát cánh với người nông dân trong lộ trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới.

Mai Nhân – Báo Quảng Bình

http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/201701/marketing-nong-san-thoi-toan-cau-hoa-2141613/