(ĐCSVN) – Việc thí điểm mô hình đồng quản lý rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng đã được triển khai trong thực tế ở nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa nhất quán về việc chia sẻ lợi ích như thế nào, làm sao để quản lý được việc chia sẻ lợi ích từ rừng…
Hội thảo do Hội chủ rừng Việt Nam, Tổng cục lâm nghiệp, Đại học Lâm nghiệp và Liên minh đất rừng Việt Nam (FORLAND) đồng tổ chức. Hội thảo lần này hướng tới việc thống nhất chung về nhận thức, quan điểm về chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng dân cư địa phương; làm sáng tỏ thêm thuận lợi, khó khăn, trở ngại và thách thức đồng thời kiến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước về nội dung này.
Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng theo nguyên tắc đồng quản lý nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo thí điểm tại vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, VQG Bạch Mã. Chia sẻ lợi ích từ rừng cũng được nhiều tổ chức quốc tế và trong nước thí điểm với nhiều rừng cộng đồng, rừng sản xuất ở nước ta trong đó có thể kể đến đề án xây dựng cơ chế đồng quản lý tại công ty lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Tum…
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu hướng dẫn cụ thể, thí điểm dự án chưa được nhân rộng. Hơn nữa, cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương có cách thức tiếp cận rừng khác nhau, do đó, đòi hỏi việc quản lý chặt chẽ nếu không việc hưởng lợi sẽ dễ bị mất kiểm soát. Đồng thời, hội thảo cũng nhất trí cao rằng, việc chia sẻ là cần thiết nhưng phải đảm bảo bền vững.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trí Dũng, Cố vấn dự án quản trị đất đai tiểu vùng sông Mê Kông (MRLG) cho rằng, đây là cơ hội tốt để trao đổi và thống nhất nhận thức về việc chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng, đồng thời kiến nghị để thực hiện tốt hơn quy định pháp lý về nội dung này.
Theo ông Nguyễn Thành Chung, Phó Giám đốc công ty lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Tum, mặc dù rất áp lực, phức tạp và hết sức nan giải trước thách thức đối với công ty trong công tác quản lý lâm phần nhưng cũng khẳng định rằng, rừng và đất rừng của công ty đang được bảo vệ tốt hơn nhiều so với khi chưa có mô hình đồng quản lý rừng triển khai.
Kinh nghiệm từ mô hình chia sẻ lợi ích từ rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy chỉ rõ, rừng được bảo vệ và phát triển bền vững sẽ góp phần cải thiện tích cực đến môi trường đa dạng sinh học động thực vật, chống biến đổi khí hậu; nâng cao điều kiện sống cho người dân bản địa; đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các công trình thủy điện và thủy lợi; hạn chế lũ quét, hạn hán kéo dài, xói mòn và rửa trôi đất gây ngập úng và hủy hoại các công trình và diện tích canh tác tại địa phương.
Chuyên gia lâm nghiệp, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn đến từ Đại học Lâm nghiệp cho rằng, khái niệm về đồng quản lý rừng cần được hiểu theo nghĩa rộng “có sự chia sẻ quyền và trách nhiệm các bên liên quan”. Việc xác định quyền và trách nhiệm và mức độ các bên liên quan không được cứng nhắc mà cần dựa vào: lịch sử quản lý rừng, bối cảnh tài nguyên, kinh tế – xã hội địa phương và trên cơ sở có sự tham gia thật sự của các bên liên quan.
Có thể thấy, việc triển khai thí điểm mô hình chia sẻ lợi ích, đồng quản lý từ rừng có nhiều khó khăn phát sinh, yêu cầu cần phải có sự tham gia thiện chí, hiểu biết, đồng bộ và trách nhiệm của các bên liên quan. Đó cũng là thông điệp mà các đại biểu tham gia Hội thảo lần này thống nhất gửi đến các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý trong hoàn thiện, bổ sung chính sách quản lý đất rừng, nhất là với Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam: http://dangcongsan.vn/kinh-te/thong-nhat-nhan-thuc-ve-viec-chia-se-loi-ich-tu-rung-503228.html