Chiều ngày 01 tháng 7 năm 2022, Tại thành phố Đà Nẵng,Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) – tổ chức điều phối của Liên minh đất rừng (FORLAND) và Liên minh Sinh kế xanh (Green Livelihoods) tổ chức Hội thảo Tham vấn, góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Hội thảo tập trung thảo luận Dự thảo về nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về giao rừng, cho thuê rừng với sự chủ trì của ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và ông Lê Đình Thơm – Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm. Các đại biểu nhất trí cần sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị định nhằm tăng cường khả năng thực thi tại thực tế. Đồng thời các đại biểu cũng chỉ ra một số vướng mắc đối với các quy định về Luật đất đai đối với vấn đề giao đất giao rừng, các quy định về cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Sau khi nghe đại diện Cục Kiểm Lâm Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá nội dung quy định về giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Chương III Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ với các quy định pháp luật liên quan, hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung, các đại biểu tiến hành vào phiên thảo luận, các đại biểu chia sẻ thẳng thắn về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 156/2018/NĐ-CP cũng như các vấn đề liên quan đến giao rừng, cho thuê rừng được quy định tại Chương III nghị định này.
Một trong những vấn đề vướng mắc mà gần như các địa phương đều gặp phải là vấn đề giao rừng gắn liền với giao đất cho cộng đồng, một trong những điểm bất cập giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp. Ông Mai Văn Tâm – Phòng quản lý và bảo vệ rừng và bảo tổn thiên nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ về thực tế triển khai tại địa phương: “Hiện nay, Điều 100 và 131 của Luật đất đai gần như không có giao đất cho cộng đồng, và theo Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cộng đồng không thuộc đối tượng giao quyền sử dụng đất. Trong khi đó, với 11.000ha mà cộng đồng đã được cấp, thanh tra tỉnh đang đề nghị thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi vậy, cộng đồng không đồng tình và ý kiến rằng nếu thu thì họ sẽ không quản lý nữa.” Ông cũng chia sẻ thêm: “Nếu ngành Lâm nghiệp và ngành Tài nguyên môi trường không thống nhất được thì địa phương không thể thực hiện được.“
Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng, chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cũng chia sẻ về yêu cầu tiên quyết về sự phối hợp, thống nhất của ngành lâm nghiệp và ngành môi trường: “Mặc dù tại Chương trình mục tiêu quốc gia, Cộng đồng và hộ gia đình là đối tượng ưu tiên giao và giao khoán bảo vệ rừng trong đó giao rừng cần gắn liên với giao đất, tuy nhiên trước đây giao đất chưa giao rừng nên kinh phí không có, do vậy cần có văn bản hướng dẫn đồng bộ giao đất giao rừng.” Ngoài ra, ông còn chia sẻ thêm về sự vướng mắc trong thực tế triển khai tại các địa phương, trong đó cần có sự phối hợp về dữ liệu đo đạc của hai ngành này, bởi bên ngành Tài nguyên môi trường thường sẽ có các số liệu có độ chính xác cao hơn. Và các địa phương cũng chưa có sự đồng bộ về nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức tham mưu và thực hiện: “Giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình thì cấp huyện có mắc là phòng nông nghiệp là cơ quan tham mưu, hạt kiểm lâm cũng tham mưu, một số huyện giao cho phòng nông nghiệp, một số giao cho kiểm lâm nên thống nhất chưa cao.”.
Về vấn đề giao đất, giao rừng, Tiến sĩ Trương Quang Hoàng, giám đốc trung tâm CRD đề xuất bốn nội dung cần được đưa vào: Thứ nhất là sự tham gia của người dân, khi chúng ta có quy định giao đất giao rừng cần có quy định pháp lý, thực tế chưa thấy sự tham gia của người dân trong các bước GDGR, khi người dân tham gia không đầy đủ thì họ không hiểu được tài sản họ quản lý. Thứ hai, trong hồ sơ xin giao rừng cộng đồng và hộ gia đình phải làm đó là kế hoạch sử dụng rừng, trong mẫu có nêu hoạt động mà không dự kiến nguồn lực để thực hiện hoạt động đó, e rằng tính khả thi hoạt động rất thấp. Thứ ba trong quyết định giao đất giao rừng thì nên chăng có thể bổ sung thêm nội dung trách nhiệm và nghĩa vụ quy định cụ thể có thể trích một số nội dung then chốt còn chi tiết theo quy định pháp luật. Thứ tư là thẩm định, vai trò thẩm định giao cho chức năng sở thẩm định có thể liên quan đến sở tài nguyên môi trường, đo đạc có ngân sách TNMT, còn đánh giá về hiện trạng rừng thì nguồn lực mơ hồ. Cần quy định nguồn lực đơn vị tham gia thẩm định, có biểu mẫu cụ thể đơn vị tham gia thẩm định để họ thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm định.”
PGS.TS Trần Nam Thắng đề xuất cần có và công khai kế hoạch giao đất, giao rừng từng vùng và cần có đơn vị chủ quản thực hiện việc giao đất giao rừng, tránh việc “giao đất trên giấy tờ”. Ngoài ra, ông cũng đề cập thêm: “Việt Nam đang hội nhập, và chúng ta đã đang và sẽ xây dựng tín chỉ các bon, nếu nắm được trữ lượng ban đầu sẽ giúp chủ rừng lập kế hoạch hưởng lợi trong quá trình quản lý bảo vệ rừng. Đầu tư cho ngành lâm nghiệp cần cụ thể và được luật hoá và đưa vào nghị định, thông tư có nguồn cụ thể để thực hiện. Cần phải chỉ ra chứ nói chung chung không thể làm được.”
Đối với vấn đề cho thuê rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, các hoạt động về dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, thực tế cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong thực thi, trong đó có vấn đề rừng nằm trên đất khác như tại Đà Nẵng; hay hiện tượng một số doanh nghiệp không hoặc chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2020 với lý do: đất rừng đất đã chuyển đổi mục đích không phải đất rừng nữa, mặc dù các đơn vị đó có thể chấp nhận đóng chi phí về hưởng lợi từ cảnh quan rừng, nhưng các quy định không có trong luật.
Vấn đề cho thuê rừng mới một nội dung kinh doanh sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng, trồng dược liệu và lâm sản dưới tán rừng đã được địa phương như tỉnh Quảng Nam thực hiện, tuy nhiên chưa có quy định về đối tượng cho thuê môi trường rừng để trồng lâm sản ngoài gỗ, trong đó có phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đặc dụng và phải giữ độ tàn che.
Với hơn 30 ý kiến thảo luận tại hội thảo, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp tiếp thu các ý kiến và sẽ cùng với các nhóm kỹ thuật trao đổi và thống nhất ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện của Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Pháp chế Thanh tra – Cục Kiểm lâm, Phòng quản lý bảo vệ rừng – Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng II, Vùng IV, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, T.P Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Ngãi; Đại học Lâm nghiệp; Đại diện chính quyền địa phương và cộng đồng xã Đak Pơ-ne – Kon Rẫy, Kon Tum; các chuyên gia đại diện của Liên minh Đất rừng FORLAND và các tổ chức thành viên: Trung tâm CEGORN, TROPENBOS, CRD, PanNature; chuyên gia đến từ các tổ chức như RIC, MRLG, Oxfam, Viện sinh thái học Miền nam, Green Livelihoods – Ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm CEGORN đánh giá: Đây là hội thảo có chất lượng cao, có nhiều ý kiến góp ý quý báu để có thể đề xuất góp ý Dự thảo nghị định – điều mà Ban tổ chức kỳ vọng.
Sam Pham