Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động.

Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” – Ảnh: VGP/HG

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Theo PGS.TS. Phạm Quang Thao (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mất mát đa dạng sinh học cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Dân số gia tăng, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng. Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa ở các khu vực đô thị, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam…

Để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước ta.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển), Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị thông qua ban hành chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, biến và giá trị đa dạng sinh học. 

Tuy nhiên, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả xã hội bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng, các doanh nghiệp và hỗ trợ quốc tế. Do đó, để có được nguồn lực cần thiết cho quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần có một chiến lược cụ thể về cách huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện và duy trì các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, loài đã bị suy thoái một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Nói về những bất cập của nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, TS. Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian. Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, song các kết quả thường khó có thể đo tính được một các cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn. Chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn… 

TS. Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà, các cơ chế mới có thể là các hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho đa dạng sinh học, các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ đa dạng sinh học, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, cơ chế hoán đổi nợ cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về đa dạng sinh học như: Quỹ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, quỹ cứu trợ loài…

Ts. Ngô Văn Hồng – Giám đốc CEGORN chia sẻ tại Hội thảo

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao cho rằng nguồn lực xã hội hoá cho hoạt động trồng rừng hiện nay rất lớn trong nước, song chưa đủ hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện chức năng vận động để trồng và phục hồi rừng.

Trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” không quy định rõ loại hình xã hội hoá này. 

Đối với nguồn lực huy động cho trồng và phục hồi rừng từ tổ chức quốc tế để phục hồi rừng cũng rất tiềm năng, tuy nhiên việc phê duyệt các khoản hỗ trợ này đối với doanh nghiệp là rất khó khăn, mất thời gian và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao đề nghị có chính sách khuyến khích người dân trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa để bảo đảm thu nhập cho người dân về lâu dài nhưng cũng tăng cường khả năng phòng hộ của rừng. Chuyển đổi rừng trồng ngắn ngày (keo, tràm) sang trồng cây bản địa với mục đích phục hồi rừng vào diện được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng (hiện chỉ có người dân trồng và giữ rừng trong lưu vực có thủy điện, khai thác nước sạch, du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính… mới được hưởng chính sách này)…

Theo Hoàng Giang – Báo Điện tử Chính Phủ