“Nguồn lực xã hội hoá cho hoạt động trồng rừng hiện nay rất lớn trong nước, song chưa đủ hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện chức năng vận động để trồng và phục hồi rừng.”
Đây là một trong những nhận định của Tiến sĩ Ngô Văn Hồng – Giám đốc CEGORN trong báo cáo nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng: Bài học từ dự án phục hồi rừng Sông Gianh và sông Thạch Hãn tại Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 20-6, tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu được Tiến sĩ Ngô Văn Hồng chia sẻ tại Hội thảo, Tính riêng năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư cho trồng cây, trồng mới rừng trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa hơn 1.583 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52% tổng vốn trồng rừng và cây xanh. Năm 2022 khoảng 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48% tổng kinh phí, đây là kết quả rất đáng khích lệ, cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chưa có đầy đủ hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện chức năng vận động để trồng và phục hồi rừng.
Cụ thể: Trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không quy định rõ loại hình xã hội hoá này. Để thuận lợi, đơn vị huy động hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2020 theo mô hình doanh nghiệp xã hội thì doanh nghiệp phải đóng thuế trên khoản tiền đóng góp của cá nhân cho hoạt động trồng rừng như những doanh nghiệp kinh doanh. Trong lúc đó, việc thành lập quỹ để huy động nguồn lực trồng rừng cũng đòi hỏi phải có tài sản ban đầu rất cao để được cấp phép. Trong lúc việc huy động nguồn lực này mang tính thời vụ, huy động đến đâu thì trồng rừng đến đó
Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, phòng nông nghiệp, cơ quan kiểm lâm, các chủ rừng và các cơ quan liên quan để thực hiện giải quyết khó khăn liên quan đến vướng mắc về rà soát đất đai, thiết kế trồng rừng, chọn giống cây, nghiệm thu, quản lý bảo vệ rừng sau khi trồng. Đây là một quá trình hết sức phức tạp và tốn kém. Chỉ một khâu không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng thậm chí vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật lâm nghiệp.
Đề nghị có chính sách khuyến khích người dân trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa để đảm bảo thu nhập cho người dân về lâu dài nhưng cũng tăng cường khả năng phòng hộ của rừng. Chuyển đổi rừng trồng ngắn ngày (keo, tràm) sang trồng cây bản địa với mục đích phục hồi rừng vào diện được hưởng tiền “dịch vụ môi trường rừng” (hiện chỉ có người dân trồng và giữ rừng trong lưu vực có thủy điện, khai thác nước sạch, du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính… mới được hưởng chính sách này). Khuyến khích người dân lựa chọn trồng xen những loài cây có khả năng thu hái lâm sản lâu dài xen với cây bản địa;
Lượng hóa và cụ thể hóa chương trình giảm phát thải, trao đổi tín chỉ carbon. Quy định những đối tượng sản xuất kinh doanh nào phải tích điểm carbon và việc trao đổi tín chỉ carbon không nhất thiết qua kênh nhà nước mà xã hội hóa nó và hình thành một thị trường “carbon credits”.