Để có các đánh giá khoa học về cây gạo cổ thụ tại khu vực núi đá cây Gạo (người dân thường gọi là Lèn Cây Gạo), thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, CEGORN đã tổ chức đoàn nghiên cứu đánh giá, hỗ trợ lập hồ sơ Cây di sản Việt Nam.
Sáng ngày 25/3/2023, Đoàn nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) gồm: PGS.TS Trần Ngọc Hải – Phó chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, Giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp; TS. Ngô Văn Hồng- giám đốc Trung tâm CEGORN và các thành viên, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, Hội đồng Di sản huyện Tuyên Hóa, đại diện là ông Hồ Duy Thiện- chủ tịch và UBND xã Thạch Hóa đã thực hiện khảo sát, đo đếm và đánh giá cây Gạo cổ thụ tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Theo các cụ cao niên trong làng, Cây gạo ở thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hoá, đã có từ lâu hàng trăm năm. Trước đây trong khu vực này còn có 4 cây, nhưng do chiến tranh, bom đạn, các yếu tố thời tiết sét đánh, bão gió và con người nên nay chỉ còn lại một cây.
Qua đo đạc, cây Gạo cổ thụ tại thôn 3 Thiết Sơn, có ây gạo cao trên 25 m, chu vi đường vanh sát gốc 18m, đường vạnh cách mặt đất 1 mét là 14m. Cây phân cành đều trên gốc cây từ 4m trở lên. Gốc cây có nhiều u bướu như đầu rồng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xác định, cây có tuổi đời trên 300 tuổi, và cây gạo cổ thụ có các yếu tố mang tính lịch sử, gắn với đời sống văn hóa cộng đồng dân cư tại đây. Hội tụ các yếu tố trên, cây gạo này có đủ khả năng để có thể trở thành cây di sản của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng cây Di sản Trung ương đã giao cho huyện, xã lập hồ sơ gửi ra Hội đồng, cố gắng các thủ tục hoàn thành trong tháng 5/2023, để có thể tổ chức đón bằng công nhận cây Di sản vào dịp Quốc khánh 2/9 tạo thêm một điểm du lịch mới trong quần thể bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Tuyên Hoá..
Cây Gạo có tê khác là : Mộc miên, Pơ lang, bông gạo, tên khoa học: Bombax ceiba L, họ thực vật: Bombacaceae. Cây gạo này nằm trong khu vực có diện tích quy hoạch 510 ha bảo vệ đàn voọc gáy trắng quý hiếm của huyện Tuyên Hóa nên thuộc UBND xã Thạch Hóa quản lý. Gốc cây có nhiều u bướu như đầu rồng. Đầu tháng 3 cây bắt đầu ra hoa, hiện nay có nhiều lá non xuất hiện. Điều đặc biệt là cây gạo này cho hoa màu vàng cam chứ không phải đỏ như các cây khác. Cây có tuổi đời khoảng trên 300 năm và hội đủ các yếu tố để công nhận là cây Di sản. Được biết hiện nay cả nước có hơn 4.000 cây đã được công nhận cây Di sản, riêng Quảng Bình đến nay chưa có cây nào được công nhận và có lẽ sắp tới cây gạo này sẽ là cây Di sản đầu tiên của Quảng Bình. |