“TÔI ĐÃ KHÓC VÌ SUNG SƯỚNG KHI THẤY NHỮNG KHU RỪNG ĐƯỢC PHỤC HỒI BẰNG VIỆC TRỒNG CÂY BẢN ĐỊA”

Đó là cảm xúc của ông Trần Văn Lai, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ, Nam Đông, Thừa Thiên Huế khi cùng với cán bộ của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS), Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) và Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) Thuộc Đại học Nông Lâm Huế đến tham quan mô hình trồng cây bản địa tại huyện Tuyên Hóa vào ngày 26 tháng 6 năm 2023 vừa qua.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển lấm sản ngoài gỗ dưới tán rừng

Một chuyến tham quan chỉ với thời lượng 1 ngày song chứa đầy những cảm xúc không chỉ đối với các thành viên là người Cơ Tu từ các thôn Dỗi, La Hố, Mụ Nằm và Cha Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế mà cả với người hướng dẫn đoàn khi họ đến với những cánh rừng đang dần phục hồi bằng các giống cây lâm nghiệp bản địa trên vùng đầu nguồn Sông Gianh tại các xã Lâm Hóa và Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình do Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam tài trợ và phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN), chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.

Tại xã Lâm Hóa, đoàn đến thăm khu rừng của cộng đồng người Mã Liềng (dân tộc Chứt) trồng bằng nguồn hỗ trợ của VARS trên diện tích 8,3 ha mà trước đó 3 năm chỉ là lau lách, cỏ dại và cây bụi. Các giống cây bản địa được trồng có Gáo vàng, Lim xanh, Giổi, Re hương, Sao đen. Cây rừng sau trồng được chăm sóc, bảo vệ và phát triển đạt tỷ lệ sống trên 85%. Sau gần 3 năm đã có nhiều cây đạt chiều cao trên 2 mét. Người Mã Liềng tự hào về cánh rừng của họ và sôi nổi chia sẻ với đoàn tham quan về những phong tục tập quán, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng, cũng như tâm huyết của họ đối với trồng và phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa trên những cánh rừng nghèo kiệt của họ. Trong cuộc gặp gỡ của 2 nhóm dân tộc Cờ Tu và Mã Liềng, các kinh nghiệm về phát triển sinh kế từ rừng như sản xuất măng, khai thác mật ong rừng,…Các kinh nghiệm ươm cây bản địa cũng được các bên nhiệt tình chia sẻ.

Chia sẻ về trồng rừng tại khu rừng cộng đồng Mã Liềng, bản Kè, xã Lâm Hóa, tỉnh Quảng Bình
Chia sẻ kinh nghiệm tại vườn ươm cây giống bản địa

Cũng trong ngày 26/6, tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa đoàn đến thăm khu rừng của ông Nguyễn Xuân Thiết – một trong những người đi tiên phong trong việc trồng rừng bằng cây bản địa kết hợp trồng xen các loại cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Với kinh nghiệm 17 năm trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, năm 2021 ông Thiết cũng đã sớm tiếp nhận sự hỗ trợ của VARS với Dự án Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh và đã trồng 7 ha rừng cây lâm nghiệp bản địa với tỷ lệ sống trên 90%. Nói về trồng rừng bản địa và trồng cây dược liệu dưới tán rừng, ông Thiết chia sẻ: “Ngay sau khi đi bộ đội về, tôi đã xin cấp đất để trồng cây bản địa. Những ngày đầu, tôi trồng thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau, và chọn ra được 3 loại phù hợp nhất là Lim xanh – cây bản địa đã từng có trên vùng đất này, Huỷnh và Giổi để phát triển khu vực hiện tại. Mới đây, tôi đã trồng cây dược liệu bao gồm: Thiên niên kiện, Khôi tía, Ba kích tím và tốc độ phát triển như mọi người thấy, trong 6 tháng phát triển rất nhanh. Hiện nay, đã có nhiều cơ sở liên hệ để đặt hàng và thu mua sản phẩm dược liệu này, tôi đánh giá đây là bước đi rất hay trong phát triển rừng. Tôi cũng đang định hướng về phát triển du lịch sinh thái tại khu vực rừng này”

Đoàn cùng ông Nguyễn Văn Thiết chia sẻ kinh nghiệm và quá trình trồng rừng cây bản địa kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng

Được tiếp cận và chứng kiến sự phát triển của các cánh rừng và được nghe đại diện cộng đồng Mã Liềng, Bản Kè và người dân chia sẻ, Ông Trần Văn Lai, Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ, Nam Đông, Thừa Thiên Huế xúc động chia sẻ “ Tôi đã khóc vì sung sướng khi thấy những cánh rừng được phục hồi bằng cây bản địa. Sao VTV không quay những cảnh này cho chúng tôi xem để cùng thực hiện”.

Không chỉ Ông Lai, Ông Hùng, người dẫn đoàn tham quan của CRD cũng rất cảm kích và chia sẻ: “Trồng rừng bản địa thành công là một trong những thử thách vô cùng chông gai. Trong nhiều năm tham gia các chương trình phát triển cộng đồng mảng về rừng, tôi nhìn thấy đa số các dự án trồng cây bản địa rất khó duy trì, sau 2-3 năm thì cây không phát triển được, hết nguồn đầu tư của các dự án thì người dân quay lại trồng keo. Nhưng khi quan sát diện tích trồng rừng tại khu vực rừng cộng đồng Bản Kè, tôi thực sự tin tưởng về sự thành công của chương trình. Cây phát triển ổn định, được chăm sóc đầy đủ. Đặc biệt là việc cộng đồng và chính quyền địa phương hiểu rõ quy trình trồng, chăm sóc rừng và cùng đồng hành trong công tác trồng rừng là một trong những điểm đáng quý, đảm bảo tương lai vể rừng”.

Được biết, 4 cộng đồng và 12 nhóm hộ của các thôn: Dỗi, La Hố, Mụ Nằm và Cha Măng đã được Nhà nước giao quản lý sử dụng 2.350 ha rừng tự nhiên trong giai đoạn từ năm 2012-2014, với 360 thành viên tham gia quản lý rừng. Diện tích rừng được giao, đang được cộng đồng quản lý, bảo vệ, và từng bước thực hiện các hoạt động làm giàu rừng bằng cây bản địa với định hướng phát triển sinh kế dưới tán rừng nhằm ổn định sinh kế và bảo vệ rừng – không gian sinh tồn của họ. Tuy nhiên, các cộng đồng và các nhóm hộ mới bắt đầu triển khai với quy mô diện tích nhỏ và rất cần các mô hình gần gũi, dễ làm để tiếp tục mở rộng và phát triển.

Hoạt động tham quan, chia sẻ tại Bản Kè, xã Lâm Hóa và tại Mô hình Ông Thiết tại xã Hương Hóa là những mô hình mà VARS/CEGORN đã và đang tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả sẽ là những bài học kinh nghiệm giúp cho bà con Cơ Tu trong tương lai gần để quản lý và phát triển thành công các diện tích rừng và đất rừng được Nhà nước giao.