Những nguyên nhân dẫn đến đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng không hiệu quả được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo “Định hướng và giải pháp tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp, thực hiện nghị quyết của Quốc hội”.
Hội thảo do Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Liên minh đất rừng Forland vừa tổ chức tại TP.HCM.
Một nhân viên quản lý 500-1.000 ha đất rừng
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), cho biết thực hiện chủ trương rà soát, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 28/2004 của Bộ Chính trị đến khi có Nghị quyết 112/2015 của Quốc hội, có 45 tỉnh, thành có đất nông trường, lâm trường thuộc diện phải rà soát.
Theo đó, tổng số tập đoàn, tổng công ty, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp (công ty) vốn nhà nước là 252 đơn vị. Tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát sắp xếp của 252 đơn vị này là gần 2 triệu ha và đất lâm nghiệp chiếm 3/4 trong tổng số trên.
“Mặc dù đã rà soát nhưng diện tích được giữ lại là quá lớn, không tương xứng với nguồn lực của các đơn vị. Một số công ty trung bình một cán bộ, nhân viên quản lý 500-1.000 ha đất” – ông Phấn chỉ ra. Ông cũng cho hay là mô hình quản trị tại các công ty không thay đổi, quản không xuể nên chuyển sang cho thuê, cho mượn, khoán đất rừng.
Ngoài ra, chính sách không thu tiền đối với công ty nông, lâm nghiệp cũng là một kẽ hở lớn, không gắn trách nhiệm, để lấn chiếm tranh chấp. “Một số nông, lâm trường trì hoãn việc chuyển sang thuê đất để tiếp tục hưởng chính sách không thu tiền này” – ông nhận xét và cho rằng phải đánh giá lại. “Bộ TN&MT đã lập dự án trong năm 2019 sẽ đi kiểm tra toàn diện các đơn vị này. Tổ công tác đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp tại 252 công ty” – ông thông tin.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Bộ TN&MT Mai Văn Phấn. Ảnh: Cẩm Tú
Vi phạm đất rừng kéo dài, chưa có biện pháp xử lý
Ông Triệu Bình, Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), cho hay Nghị quyết 112 của Hội đồng Dân tộc Quốc hội yêu cầu năm 2016 Chính phủ phải hoàn thành đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường do các công ty không thuộc diện sắp xếp lại… Tuy nhiên, đến nay đề án mới được các bộ, ngành thẩm định và phó thủ tướng mới có ý kiến về việc ban hành đề án. “Đề án chậm ban hành dẫn tới còn 493/745 công ty nông, lâm nghiệp chưa được sắp xếp, đổi mới” – ông Bình cho biết.
Ngoài ra, theo ông, nhiều công ty nông, lâm nghiệp thua lỗ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc kéo dài chưa có biện xử lý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị (Chủ tịch Hội Trồng rừng) cho hay trách nhiệm quản lý rừng là câu chuyện rất lớn nhưng các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. “Sau khi Luật Đất đai ra đời, kiểm lâm không được xử lý vi phạm đất rừng mà giao cho cán bộ địa chính. Làm sao cán bộ địa chính quản lý nổi” – ông Nhị bày tỏ.
Về nhận xét các công ty nông, lâm nghiệp không đổi mới mô hình quản trị, ông cho hay đã làm lâm nghiệp mấy chục năm nhưng cũng không biết đổi mới theo mô hình nào vì “không có mô hình nào để học hỏi”.
GS-TS Đặng Hùng Võ đề nghị phải đưa công nghệ vào quản lý đất rừng. “Áp dụng cách đo đạc của đất ruộng để đi đo đất rừng nên đến nay vẫn chưa xong” – ông nhận xét.
Chỉ 1/4 đất rừng được đo đạc, cắm mốc Theo kết quả giám sát việc sử dụng đất đai ở 252 công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 112, đến nay chỉ 22% diện tích đất giao được rà soát đo đạc, cắm mốc, thiết lập quản lý. Trong 45 tỉnh thực hiện chuyển đổi đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh thì chỉ có 11 tỉnh hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13 tỉnh hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất. CẨM TÚ
|
Nguồn: Báo Pháp Luật: http://plo.vn/thoi-su/se-tong-kiem-tra-dat-cua-cac-cong-ty-nong-lam-nghiep-810721.html