Ngày 14 tháng 4 năm 2023, đánh dấu sự ra mắt của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh tổng hợp và Tự nguyện bảo tồn Voọc đen gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng là sự tiếp nối các giải pháp thực hiện bảo tồn bền vững. Hợp tác xã được thành lập bởi các thành viên chủ chốt là 15 thành viên của Tổ bảo tồn tự nguyện Voọc gáy trắng với sự hỗ trợ ban đầu là vườn ướm cây giống thông qua hoạt động dự án của CEGORN.
Việc thành lập Hợp tác xã là điểm nhấn và là một trong các bước trong chu trình thúc đẩy bảo tồn bền vững gắn với phát triển sinh kế cho cộng đồng với của sự nỗ lực không ngừng nghỉ giữa các thành viên tổ bảo tồn, cộng đồng, chính quyền địa phương và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao và các đối tác trong suốt chặng đường từ năm 2012 tới nay.
Các dấu mốc
Từ năm 2012, sau khi phát hiện loại Voọc gáy trắng (hay còn gọi là Voọc Hà Tĩnh) cộng đồng các xã Đồng Hóa, Thạch Hóa, Sơn Hóa, Thuận Hóa đã có các hoạt động tự nguyện bảo vệ loài động vật quý giá nằm trong sách đỏ IUCN và sách đỏ Việt Nam này. Sau một quá trình dài, với sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao thông qua với sự hỗ trợ đến từ Dự án Đất đai khu vực sông Mekong (MRLG), ngoài việc nâng cao năng lực bảo tồn và mở rộng sự hiện diện của nhóm, đến năm 2020, nhóm đã chính thức được công nhận khi được Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa ra quyết định thành lập. Đây chính là bước khởi đầu để các thành viên, những người canh Voọc có được tính chính danh để thực hiện hoạt động bảo tồn.
Sau khi dự án hỗ trợ từ MRLG kết thúc (2022), Dự án : Con người, linh trưởng, thực vật đồng quản lý đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế ở Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN), Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm thế giới (ICRAF), và Botanic Gardens Conservation International (BGCI) đồng thực hiện tại huyện Tuyên Hóa với sự tài trợ của Sáng kiến Darwin – Vương quốc Anh được thực hiện từ năm 2023 – 2025 đã tiếp tục được triển khai trên địa bàn, với các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, và các hoạt động hỗ trợ với các mô hình nông lâm kết hợp gắn với bảo tồn loài Voọc gáy trắng. Trong đó, mô hình vườn ươm chủ yếu là các cây bản địa, giúp chủ động nguồn giống tại địa phương, đồng thời giải quyết nhu cầu phát triển năng lực và sinh kế cho các thành viên tổ bảo tồn và cộng đồng là một trong những hỗ trợ mà CEGORN thực hiện trong khuôn khổ dự án.
Ngày 14 tháng 4 năm 2023, các thành viên đã thành lập hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tổng hợp và tự nguyện bảo tồn loài Voọc đen gáy trắng. HTX có 16 hạng mục kinh doanh đều nhằm hướng tới bảo tồn và phát triển bền vững như: Cung cấp giống cây rừng bản địa, tư vấn trồng rừng, du lịch sinh thái… Theo ông Nguyễn Thanh Tú – Tổ trưởng Tổ cộng đồng tự nguyện bảo tồn Voọc gáy trắng đồng thời là giám đốc Hợp tác xã: “Quá trình hỗ trợ của CEGORN và các dự án là hết sức quan trọng, đặc biệt là hiện tại, việc chúng tôi được dự án hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây giống là một trong những điều quan trọng. Nhờ có vậy, chúng tôi mới có được những viên gạch đầu tiên trong hành trình bảo tồn bền vững. Chúng tôi thành lập Hợp tác xã này kỳ vọng sẽ giúp các anh chị em trong tổ có thể giải quyết một phần kinh tế, để yên tâm hơn khi tham gia các hoạt động tự nguyện bảo tồn”.
Việc thành lập HTX nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện, cũng như các doanh nghiệp tại địa phương. Về tham dự hoạt động có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Chi cục Trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, các cơ quan, phòng ban của Huyện Tuyên Hóa và 04 xã thuộc khu vực bảo tồn, đại diện CEGORN, MRLG và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.